Các quốc gia cần tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền, lợi ích chính đáng của nhau, chia sẻ trách nhiệm với sự thực tâm và bằng hành động thiết thực. Với chủ đề “Một châu Á, đa thế mạnh”, hội nghị tập trung thảo luận về tương lai của châu Á và những thách thức mà châu lục phải vượt qua để đạt được tầm nhìn 2030 về một châu Á hòa bình, ổn định, thịnh vượng, kết nối thông suốt, phát triển bền vững và bao trùm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu, kết nối đa chiều, đa lĩnh vực là yếu tố then chốt của hợp tác ACD và các nước thành viên cần hỗ trợ lẫn nhau để có tiếng nói và những nỗ lực chung nhằm giải quyết các vấn đề môi trường, xã hội mà châu Á đang phải đối mặt. Các nhà lãnh đạo châu Á khẳng định các nguyên tắc căn bản của hợp tác là tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, xây dựng lòng tin, bảo đảm hoà hợp và duy trì tình hữu nghị lâu dài giữa các quốc gia và dân tộc.
Hội nghị thống nhất dành ưu tiên cho sáu trụ cột hợp tác chính gồm: An ninh nước, năng lượng, lương thực; Kết nối; Khoa học, công nghệ và sáng tạo; Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; Văn hoá và du lịch; Thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm. Hội nghị đã thông qua ba văn kiện lớn, gồm: Tầm nhìn cho Hợp tác châu Á 2030; Tuyên bố Bangkok (đề xuất những nội dung hợp tác cụ thể trong sáu trụ cột hợp tác mới); và Tuyên bố ACD về phục hồi tăng trưởng thông qua đối tác kết nối.