'Huynh đệ tương tàn' trong các tập đoàn hàng đầu châu Á

Con trai loại bố ra khỏi công ty, anh chị kiện em đòi chia tài sản hay cha con bất đồng quan điểm quản trị là những scandal đình đám trong lòng các đế chế kinh doanh châu Á.

'Huynh đệ tương tàn' trong các tập đoàn hàng đầu châu Á ảnh 1

1. Lotte Group

Năm ngoái, Shin Kyuk-ho - nhà sáng lập 94 tuổi của Lotte Group đã bị chính con trai út – Shin Dong-bin hất cẳng khỏi chức vụ lãnh đạo. Lý do Dong-bin đưa ra là vì tuổi tác và bệnh tật, cha mình “gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định đúng đắn”. Cuộc chiến tiếp diễn vào tháng 12/2015, khi ông cùng con trai cả – Shin Dong-joo kiện Dong-bin và các thành viên hội đồng quản trị khác của Lotte Holdings vì “bị sa thải bất hợp pháp”.

'Huynh đệ tương tàn' trong các tập đoàn hàng đầu châu Á ảnh 2

2. Reliance Industries

Khi Dhirubhai Ambani – nhà sáng lập của tập đoàn đa ngành Ấn Độ - Reliance Industries qua đời năm 2002, ông đã chẳng để lại di chúc nào cả. Việc này đã đẩy hai người con trai - Mukesh và Adil vào một cuộc chiến quyết liệt giành quyền kiểm soát công ty. Mọi việc chỉ chấm dứt năm 2005, khi mẹ của họ - bà Kokilaben Ambani can thiệp và phân chia quyền kiểm soát công ty cho hai người con.

'Huynh đệ tương tàn' trong các tập đoàn hàng đầu châu Á ảnh 3

3. EVA Airways

Chang Kuo-Wei là người thừa kế sáng giá nhất của Evergreen Group, sau khi cha mình - Chang Yung-fa qua đời tháng 1 năm nay. Kuo-Wei khi đó cũng đang là Chủ tịch Eva Airways. Tuy nhiên, khi chuyến bay của ông vừa hạ cánh xuống Singapore hồi tháng 3/2016, ông nghe tin mình đã bị hất cẳng khỏi hãng bay Đài Loan (Trung Quốc). Ba người anh cùng cha khác mẹ của Kuo-Wei đã đứng sau việc này, thông qua hợp nhất cổ phần của họ trong hãng đóng tàu và vận tải Evergreen.

'Huynh đệ tương tàn' trong các tập đoàn hàng đầu châu Á ảnh 4

4. SJM Holdings

Tỷ phú sòng bài Macau – Stanley Ho có tới 4 bà vợ và 17 người con. Vì thế, cuộc chiến phân chia tài sản của họ cũng rất phức tạp. Trung tâm của sự việc là vào tháng 1/2011, Angela Leong - vợ 4 của ông và Pansy Ho - con gái với người vợ hai cáo buộc nhau cố giành 1,7 tỷ USD cổ phần trong SJM Holdings. Vụ việc được giải quyết vào tháng 3 cùng năm đó.

'Huynh đệ tương tàn' trong các tập đoàn hàng đầu châu Á ảnh 5

5. Sun Hung Kai

Cuộc chiến giữa anh em nhà Kwok không phải vì lý do thừa kế hay kiểm soát công ty. Trên thực tế, khi tài phiệt Kwok Tak Sang qua đời năm 1990, con trai cả của ông - Walter Kwok đã lên thay cha làm chủ tịch hãng bất động sản Sun Hung Kai (Hong Kong, Trung Quốc). 18 năm sau, Walter bị phát hiện ngoại tình với Lee Shau Kee, khi đó là một giám đốc của Sun Hung Kai. Walter sau đó bị mẹ mình đẩy khỏi quỹ đầu tư của gia đình, châm ngòi cho cuộc chiến kéo dài đến năm 2014 - khi ông được khôi phục vị trí tại đây. Dù vậy, chức lãnh đạo công ty đã thuộc về hai em trai - Raymond và Thomas Kwok.

'Huynh đệ tương tàn' trong các tập đoàn hàng đầu châu Á ảnh 6

6. Otsuka Kagu

Đầu năm 2015, khi doanh thu hãng nội thất Nhật Bản - Otsuka Kagu giảm tới 37,8% so với năm trước đó, cuộc chiến đã nổ ra giữa nhà sáng lập - Katsuhisa Otsuka và con gái - Kumiko Otsuka. Mấu chốt của cuộc tranh cãi là người cha - Katsuhisa không muốn làm theo gợi ý của Kumiko về việc thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng hiện đại và cởi mở hơn. Cuối cùng, vài tháng sau đó, Kumiko là người chiến thắng và giữ lại được quyền kiểm soát Otsuka Kagu.

'Huynh đệ tương tàn' trong các tập đoàn hàng đầu châu Á ảnh 7

7. Samsung

Đây có lẽ là cuộc chiến gia tộc lớn nhất về giá trị tài sản. Chủ tịch Samsung - Lee Kun-hee đã bị anh chị mình kiện năm 2012, với hy vọng lấy được một phần công ty lớn nhất Hàn Quốc này. Họ cho rằng Lee Kun-hee đã ngăn mình nhận thừa kế năm 1987 bằng cách giấu đi tài sản của người cha. Chủ tịch Samsung đã bác bỏ điều này. Đến năm 2014, anh trai ông chấp nhận thua kiện.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG