Cách đây 55 năm, xe tăng chiến đấu chủ lực T-64 chính thức biên chế vào kho vũ khí của quân đội Liên Xô. Nhờ hàng loạt các giải pháp tiên tiến lúc bấy giờ, T-64 đã trở thành dự án mang tính đột phá.
Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của T-64 cho phép Liên Xô phát triển các loại xe tăng tiên tiến hơn, trong đó có các phiên bản hiện đại hóa hiện đang được quân đội Nga vận hành.
Sự ra đời của T-64
Sự phát triển của T-64 bắt đầu vào đầu những năm 1950. Các tài liệu của Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, loại xe tăng mới này lúc bấy giờ mang lại lợi thế đáng kể so với các mẫu xe tăng của nước ngoài.
Tháng 1-1967, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Rodion Malinovsky đã ký lệnh đưa xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ tiếp theo T-64 vào sử dụng trong quân đội Liên Xô lần đầu tiên.
T-64 có cách bố trí mới, với khẩu pháo nòng trơn mạnh mẽ, bộ nạp tự động, kết hợp hệ thống điều khiển cải tiến. Nhược điểm của xe tăng là chi phí sản xuất cao và sự phức tạp trong việc đào tạo kíp lái, do có nhiều giải pháp kỹ thuật mới.
Theo các chuyên gia, giới lãnh đạo Liên Xô lúc này đứng trước sự lựa chọn: Tiếp tục hiện đại hóa dòng xe tăng T-54 hoặc khởi động một dự án tạo ra một nền tảng chiến đấu hoàn toàn mới. Kết quả là, phương án thứ hai đã thắng thế. Sau quá trình phát triển lâu dài, xe tăng chủ lực T-64 được chế tạo bởi Phòng thiết kế nhà máy Kharkov mang tên Malysheva.
T-64 có trọng lượng ở mức trung bình, nhưng có hệ thống vũ khí trang bị và khả năng bảo vệ như xe tăng hạng nặng. Thậm chí nó có thể vượt xa ở một số tính năng khác. Đây là một bước phát triển mang tính cách mạng, một bước tiến nhảy vọt trong việc chế tạo xe tăng của Liên Xô.
Theo tài liệu của Bộ Quốc phòng Nga, T-64 đã trở thành “nguyên mẫu của thế hệ xe tăng nội địa mới”. Ở hầu hết các chỉ số chính, chiếc xe đều vượt trội hơn T-55 và T-62 tại thời điểm đó.
Xe tăng có một số nhược điểm ban đầu, nhưng đã được khắc phục thành công trong quá trình sản xuất hàng loạt, và chính thức đưa vào phục vụ hơn 20 năm sau đó.
Các giải pháp mới
T-64 lúc bấy giờ là xe tăng đầu tiên trên thế giới có bộ nạp tự động. Thiết bị mới chứa được 30 viên đạn. Sự hiện diện của bộ nạp đạn tự động giúp giảm đáng kể thể tích khoang chiến đấu của xe. Trong kíp lái lúc này chỉ còn 3 vị trí là chỉ huy, pháo thủ và lái xe.
Bên cạnh đó, T-64 cũng là xe tăng đầu tiên trên thế giới được trang bị lớp bảo vệ liên hợp nhiều lớp. Nó bao gồm thép bọc giáp, lớp chống tích lũy phản lực và các vật liệu chống bức xạ đặc biệt.
Các chuyên gia Liên Xô còn tăng cường lớp bảo vệ ở mũi xe, các bộ phận gần cửa khoang lái, và tăng góc nghiêng của các tấm thân trước. Ban đầu, xe tăng chủ lực này được trang bị pháo nòng trơn 115mm, nhưng bản sửa đổi đầu tiên của T-64A đã được trang bị pháo D-81 125mm vững chắc hơn, với cơ chế nạp đạn tự động và vỏ bọc cách nhiệt. Tốc độ bắn của pháo là 10 phát/phút. Công suất động cơ đạt 700 mã lực, tốc độ tối đa 65km/giờ, tầm hoạt động đạt 500km.
Xe tăng nhận được một hộp số mới, với hệ thống điều khiển thủy lực, giúp giảm đáng kể trọng lượng và kích thước của khoang truyền động cơ. Ngoài ra, T-64 được trang bị ống ngắm máy đo khoảng cách và thiết bị tính toán. Tất cả những cải tiến này giúp tăng hiệu quả ngắm bắn.
Trong suốt quá trình sản xuất hàng loạt, T-64 không ngừng được cải tiến bằng cách thiết bị bảo vệ, cùng vũ khí hiện đại hơn. Sự xuất hiện của bản sửa đổi T-64B được xem là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của loại xe tăng chủ lực này. Xe nhận được hệ thống vũ khí dẫn đường và hệ thống điều khiển hỏa lực 1A33, hiệu quả hơn 1,6 lần so với sản phẩm trước đó gắn trên T-64A.
Đến năm 1985, một phiên bản khác đã được sản xuất là T-64B-1, không có tổ hợp vũ khí dẫn đường 9K112 Cobra, nhưng vẫn giữ lại hệ thống điều khiển hỏa lực 1A33. Theo đó, việc sản xuất T-64B-1 rẻ hơn 18% so với phiên bản tên lửa T-64B.
Các chuyên gia cho rằng, T-64B đã đi trước thời đại hàng chục năm và tiềm năng của xe tăng giúp tạo ra những phương tiện chiến đấu mới sau này của Liên Xô.
Một phiên bản “hậu duệ” trực tiếp của T-64 là xe tăng chủ lực T-80, với động cơ tuabin khí (các xe tăng nội địa khác dùng động cơ diesel). Loại xe tăng này được đưa vào trang bị từ năm 1976 và vẫn đang được quân đội Nga sử dụng theo các phiên bản hiện đại hóa.
Xe tăng T-64 của quân đội Ukraine. Ảnh: RT |
Theo chuyên gia quân sự Nga Sergei Suvorov, bằng sự kết hợp các giải pháp kỹ thuật mới nhất, T-64 là xe tăng mang tính cách mạng. Nó hoàn toàn khác biệt so với những người tiền nhiệm, và là cơ sở cho sự phát triển của các loại xe tăng mới.
Chuyên gia Vadim Antonov, Phó giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Nga cho rằng, sự xuất hiện của T-64 đã dành được sự quan tâm đặc biệt ở các nước NATO. Để bắt kịp Liên Xô, các nước NATO buộc phải bắt đầu phát triển các loại xe bánh xích và vũ khí chống tăng mới.
Tuy nhiên, cùng với hàng loạt ưu điểm, T-64 cũng tồn tại một số nhược điểm. Đặc biệt, xe tăng chủ lực của Liên Xô là cỗ máy khá đắt đỏ và khó vận hành. Những đặc điểm này đã cản trở quá trình sản xuất hàng loạt, bảo dưỡng và đào tạo kíp vận hành. Tuy nhiên, Liên Xô sau đó đã khắc phục những vấn đề này bằng việc đưa vào vận hành loại xe tăng T-72 tiên tiến hơn.
Hiện đại hóa T-64
Sự sụp đổ của Liên Xô dẫn đến việc cắt giảm trên quy mô lớn lực lượng xe tăng ở các quốc gia hậu Xô viết. Tại Nga, các xe thuộc họ T-64 không được hiện đại hóa, và bắt đầu ngừng hoạt động.
Vào thời điểm đó, Ukraine là nước khai thác chính T-64. Vào những năm 2000, Kiev đã tiến hành hiện đại hóa một phần lực lượng xe tăng này. Bản sửa đổi cập nhật được đặt tên là “Bulat”.
Trước khi xảy xung đột vũ trang ở Donbass, Kiev đã có ý định loại bỏ một phần đáng kể T-64 đang có trong quân đội. Nhưng cuộc chiến ở Donbass buộc Kiev tiếp tục trang bị “Bulat” và các phiên bản khác của T-64 cho quân đội.
Trong những năm gần đây, Lực lượng vũ trang Ukraine đã nhận được một phiên bản hiện đại hóa khác của T-64. Những thay đổi chính trên xe liên quan đến thiết bị điện tử và thiết bị bảo vệ động lực học. Hiện T-64 vẫn đóng vai trò quan trọng trong các đơn vị chiến đấu.