Theo BBC, vùng đất Terre Adelie, lãnh thổ của loài chim cánh cụt Adelie, đã chứng kiến cái chết của hơn 36.000 cá thể chim cánh cụt sơ sinh. Chỉ 2 cá thể mới sinh của đàn cánh cụt trên sống sót sau thảm họa.
Nguyên nhân của thảm họa sinh học được cho là do mật độ băng đá cao bất thường bao phủ vùng biển phía đông của Nam Cực, khiến các cá thể cánh cụt bố mẹ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn để duy trì sự sống cho con của chúng.
Một con chim cánh cụt Adelie con tử vong. Ảnh: The Guardian.
"Diện tích băng đá tăng khiến các cá thể bố mẹ phải di chuyển rất xa để kiếm thức ăn, chúng phải di chuyển xa hơn 100 km so với mọi năm", Yan Ropert-Coudert, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, nhận định.
Các chuyên gia từ Quỹ Động vật hoang dã (WWF) cho biết thảm họa lần này chỉ xảy đến với một đàn chim cánh cụt riêng biệt ở Adelie. Nam Cực sẽ ấm dần lên, băng đá sẽ tan bớt. Tuy nhiên, điều này sẽ có thể gây ra những thách thức khác trong tương lai.
WWF đang kêu gọi các chính phủ ban hành lệnh cấm đánh cá tại vùng biển phía đông Nam Cực để giảm thiểu sự cạnh tranh nguồn thức ăn với chim cánh cụt Adelie, đồng thời bảo tồn các loài sinh vật khác ở Nam Cực.
Vị trí Terre Adelie nơi thảm họa xảy ra. Ảnh: CNN.
Các biện pháp nhằm giải cứu các loài sinh vật Nam Cực sẽ được thảo luận trong buổi họp của Ủy ban Bảo tồn sinh vật biển Nam Cực (CCAMLR), dự kiến diễn ra vào ngày 16/10.
Trước đó, khoảng 150.000 con chim cánh cụt Adelie đã chết trong năm 2015 sau khi một tảng băng trôi khổng lồ mắc kẹt bao vây vịnh Commonwealth tại Nam Cực, khiến đàn chim cánh cụt không thể tìm thấy thức ăn.