Trâu chết, người khóc như đưa đám
Xã Nậm Cắn cách thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn, Nghệ An) khoảng 25 km, mất 7 giờ chúng tôi mới đến được bản trung tâm. Núi rừng xanh bạt ngàn, trùng điệp được phủ lên lớp mây mù trắng xóa càng làm cho rừng sâu thêm ảm đạm. Lên đến bản Tiền Tiêu (xã Nậm Cắn) thì đã sang buổi chiều, đây là bản nằm sát biên giới, có cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Cái rét 1 độ C cắt thấu da thịt, gió rừng phả vào mặt làm cơ thể thêm buốt lạnh. Trên đường chỉ có thi thoảng một vài bóng người qua lại. Người già, trẻ em đóng chặt cửa, quây quần bên bếp lửa để tránh rét.
Đẩy củi vào bếp lửa, khuôn mặt khắc khổ có phần tái tím, ông H’ Chìa Dìa (trú tại bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) cho biết: “Đây là lần đầu tiên bà con dân bản chúng tôi thấy rét như thế này, cái rét nó làm cho cả bản không làm được việc gì cả. Thời tiết thế này thì làm sao vào nương rẫy được, cả nhà chúng tôi chỉ biết đóng cửa, đốt lửa. Nếu rét kéo dài thì thức ăn cũng không còn, mà áo quần thì kiếm đâu ra để mặc cho nhiều”. Gia đình ông Dìa thuộc diện hộ nghèo, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu nhập chính từ nương rẫy.
Những cơn mưa nặng hạt vẫn tuôn lên mái nhà. Gõ cửa gia đình anh Lỳ Bá Mềnh (bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn), cả nhà đang quây quần bên bếp lửa. Anh Mềnh nói: “Đợt rét lần này đến đột ngột, mấy ngày trước băng giá, có tuyết rơi. Mái nhà tôi bị tuyết phủ trắng, xô nước để ngoài trời cũng đóng băng. Nước sinh hoạt không dùng được, phải đưa tới gần bếp lửa cho tan băng ra mới có nước nấu ăn. Rau màu thì chết hết, bữa nào cũng phải rang ngô ra để ăn. Kinh khủng quá!”.
Theo những người dân bản Tiền Tiêu, rất nhiều hộ gia đình ở bản có trâu bò chết trong đợt giá rét này. Chị Vi Thị Chín (bản Tiền Tiêu) cho hay: “Nhà tôi đã nấu nước nóng, đốt lửa cả ngày đêm bên chuồng trại nhưng bò vẫn chết. Nhà anh Và Xìa Lỳ có hai con trâu mà chết một con đó thôi. Chết thì làm thịt bán, lỗ hết cũng đành chịu. Chợ thì xa không đi được, chỉ biết co ro trong nhà rang ngô ăn chống đói”. Ngồi kế bên, anh Lỳ Chìa Sa nói thêm: “Nhà tôi chết 3 con, rau màu thì không còn một cọng nào. Chuồng trại tôi làm kín lắm, bao bọc hết mà nó vẫn cứ chết. Nằm ngủ mà băng tuyết rơi trên nhà, sợ lắm, cứ nghĩ bể mái nhà rơi trúng người”.
Hiện ở xã Nậm Cắn, băng tuyết đã tan ra tạo thành những dòng chảy nhỏ, nước lạnh buốt, cây héo úa, nghiêng ngả. Những mảng mái lợp rơi vãi khắp nơi, trong ngôi nhà của anh Cử Bá Chùa vang lên tiếng khóc của người vợ. Gia đình anh Chùa có một con trâu bị chết rét, giá trị của con trâu khoảng 40 triệu đồng, nhưng khi làm thịt chia nhau thì chỉ còn chưa được 20 triệu. Trâu chết, người khóc như đưa đám.
Băng tuyết rơi, học sinh vẫn đến trường vì đói
Trường tiểu học Nậm Cắn 1 nằm dựa vào lưng đồi, phía sau cây cối rậm rạp, sương mù bay mù mịt che khuất khuôn viên. Do nhiệt độ xuống quá thấp, nhà trường đã thông báo cho học sinh nghỉ học nên những dãy lớp vắng tanh. Thầy Bùi Trung Sức (Hiệu phó trường Nậm Cắn 1) cho biết: “Nhà trường đã cho học sinh nghỉ đến khi nào nhiệt độ ấm lên thì mới thông báo các em tới trường. Tuy nhiên vẫn có nhiều em học sinh đi học và tôi đã khuyên các em nên về nhà cho ấm, đợi khi nào có thông báo lại đến lớp”.
Trẻ em ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: C.H
Trường tiểu học Nậm Cắn có 44 cán bộ, giáo viên, trong đó có 6 giáo viên người Thái, 1 giáo viên người Mông, 9 người nội trú. Số lượng học sinh là 348 em ở 4 điểm trường, chủ yếu thuộc các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú. Cô Nguyệt Thị Nguyệt (giáo viên tiểu học Nậm Cắn 1) chia sẻ: “Những ngày qua, vòi nước của khu ký túc xá bị đóng băng, cây cối xung quanh trường cũng phủ kín băng tuyết. Một số học sinh đã tới trường, thương các em co ro vì lạnh, thầy cô đã nấu ăn, lấy nước ấm cho các em uống. Áo quần thì mỏng, chân tay hở hết, học sinh ở đây còn khó khăn lắm”. Em Lầu Y Huyền (học sinh lớp 5 C) thật thà nói: “Chúng em được nghỉ học nhưng ở nhà lạnh quá nên mới tới trường. Đến đây có cái ăn, vui chơi với thầy cô”.
Cơ cực
Bà Lô Thị Hiệu, Trưởng bản Na Lượng 1, cho biết: “Mạ ở bản chúng tôi hư hại hết, có 5 con trâu bò chết rét. Dân bản chúng tôi chủ yếu thả trâu bò trong rừng nên khi giá rét tới đột ngột, trở tay không kịp và không lùa về hết được nên chưa biết hết. Bản Na Lượng có 158 hộ, hơn 50% hộ nghèo, người dân nơi đây chủ yếu là dân tộc Thái, Khơ Mú”.
Theo bà Hiệu, gia đình ông Hương trong bản vừa có một con bò chết rét. Tìm đến nhà ông Kha Văn Hương thấy mọi người đang chuẩn bị khiêng bò đi bán. Ông Hương buồn bã kể: “Con bò nhà tôi trị giá khoảng 20 triệu, ngày nào tôi cũng chăn dắt, chuồng trại thì che chắn và đốt lửa sưởi ấm. Con bò mẹ chết nên chỉ còn bê con đang non. Có lẽ tôi phải nhịn ăn, nhịn mặc mua cám về chăm cho nó lớn thôi”. Ra khỏi nhà ông Hương, tiếng thở dài sườn sượt của lão nông này cứ đeo bám chúng tôi.
Dọc theo hai bên đường của thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) đầy rẫy những quầy bán thịt trâu, bò, lợn, dê. Những quầy hàng thịt nằm sát cạnh nhau, có những quầy còn lấn ra lòng đường, tiếng mời chào khách í ới. Chúng tôi vào lò mổ nằm trên thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn). Chủ lò mổ cho biết: “Nghe họ nói, con bò này bị chết rét trong rừng nên họ lôi về bán lại cho tôi, trong những ngày này có rất nhiều người kêu tôi mua trâu, bò của họ. Mỗi ngày tôi nghe hàng chục cuộc điện thoại, làm thịt hết con này lại có người gọi mua con khác”.
Ông Trần Hữu Phi, Phó bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn nói: “Đợt rét hại, rét đậm khủng khiếp này lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn, xuất hiện băng giá, tuyết rơi. Nhiệt độ có lúc giảm xuống âm 1 độ. Nhận thấy tình hình phức tạp và theo sự chỉ đạo của huyện nên chúng tôi đã lập đoàn vào trong dân, hướng dẫn người dân phòng chống rét, che chắn cho chuồng trại. Ngày nào đoàn của xã cũng xuống các bản và trực ban 24/24 giờ”.
Theo thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn, đã có khoảng 60 con trâu, bò chết rét. Lúa mạ bị thiệt hại chưa thể thống kê đầy đủ. Số liệu này có thể tăng lên vì hiện số gia súc chăn thả các trại trong rừng sâu nắm rõ. Huyện Kỳ Sơn có 15.200 hộ dân, đợt rét kỷ lục lần đầu tiên xảy ra trên huyện đang làm đảo lộn cuộc sống người dân. Cuộc sống của người dân huyện biên viễn vốn dĩ đã khó khăn, giờ lại thêm cơ cực...
Miền Bắc tiếp tục đón không khí lạnh tăng cường
Chiều 29/1, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo thống kê sơ bộ, hơn 12.300 con gia súc (chủ yếu là trâu, bò) bị chết đói, rét ở 15 tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ trong đợt rét lịch sử vừa qua.
Trong đó, tỉnh bị nặng nhất là Sơn La trên 3.700 con; Lạng Sơn gần 1.200 con; các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… cũng thiệt hại trên dưới 1.000 con gia súc.
Ngoài ra, theo Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, diện tích lúa bị thiệt hại do giá rét (dưới 30%): Gần 9.500 ha (chủ yếu ở Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi..). Diện tích mạ bị thiệt hại (từ 30-70%) gần 8.500 ha (chủ yếu là Hà Tĩnh trên 4.100 ha, Lào Cai trên 4.100 ha…).
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn T.Ư, một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển, dự báo khoảng đêm 31/1 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc, sau đó lan ra các nơi khác ở miền Bắc và miền Trung.
Phạm Anh