Điều chưa biết về hậu trường 'Kong: Đảo đầu lâu'

Đạo diễn (bìa phải) lội nước cùng dàn diễn viên.
Đạo diễn (bìa phải) lội nước cùng dàn diễn viên.
TP - Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts nhận quyết định bổ nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam hôm nay, 13/3. Anh cũng là người khiến hãng Warner Bros. quyết định quay phim kinh phí lớn tại Việt Nam. Ngày đầu ra mắt phim, thu 18 tỷ đồng ở Việt Nam và 20,2 triệu USD tại Mỹ.

Ẩn ý

Ban đầu Kong: Đảo đầu lâu có bối cảnh diễn ra năm 1917, đạo diễn phấn khích nhưng muốn làm hoàn toàn khác. Các nhà sản xuất của Warner Bros. và Legendary cho Jordan suy nghĩ thêm. Jordan hình dung ra cảnh mặt trời đỏ rực, trực thăng bay xuyên qua rừng già trong nền nhạc của Jimi Hendrix và những chiếc trực thăng này rơi khỏi bầu trời. “Điều khó nhất với sêri phim này là tìm được hướng tiếp cận mới mẻ. Ý tưởng của Jordan đưa phim quay về thời thập niên 70 rất thú vị”, Alex Garcia, Phó Chủ tịch điều hành và sản xuất của Legendary nói.

Biên kịch Max Borenstein kể khi phim Godzilla (anh viết kịch bản) đang làm hậu kỳ, Tomas Tull người đứng đầu Legendary rất mê Godzilla và Kong đến, và hỏi nghĩ thế nào về trận chiến giữa Kong và Godzilla. Vì không muốn đi theo lối mòn các phiên bản Kong xoay quanh câu chuyện Người đẹp và quái vật, biên kịch có ý tưởng mới. “Ý tưởng đầu tiên khi bắt tay viết kịch bản là tôi viết bất cứ điều gì tôi nhìn thấy. Tôi rất thích Apocalypse now, đó là lí do khiến tôi muốn bộ phim bắt đầu vào thập niên 60 thời điểm diễn ra chiến tranh Việt Nam và có cả hồi ức về thời thế chiến thứ nhất”, Max Borenstein  nói. Tuy nhiên, sau khi gặp Jordan, biên kịch thấy ý tưởng đổi bối cảnh phim tới thập niên 70 thú vị hơn.

Nhà báo của Los Angeles Times hỏi biên kịch Max Borenstein rằng Việt Nam chỉ đơn giản là địa điểm quay hay đó là ẩn dụ. Tác giả kịch bản đáp rằng người Mỹ nhìn về chiến tranh Việt Nam ở phương diện khá hẹp, với góc nhìn người trẻ Max muốn khai thác những điều ẩn phía sau. “Các anh đáp xuống một hòn đảo và con khỉ khổng lồ này hủy hoại tài sản, khiến người của anh thiệt mạng. Vì thế nó trở thành kẻ xấu, anh là người tốt, anh quay lại tiêu diệt nó. Điều này cũng giống như thế giới hiện nay khi người ta nghĩ có thể giải quyết vấn đề bằng cách loại bỏ những thứ khác biệt và có vẻ đáng sợ. Cuộc sống và thế giới phức tạp hơn nhiều trong đó rất cần sự cảm thông. Điều mấu chốt với Kong: Nó không phải con quái vật gớm ghiếc nếu bạn có sự đồng cảm với nó”, Max nói.

Việt Nam suýt “ra rìa”

Trong Kong: Đảo đầu lâu, bối cảnh Việt Nam chiếm tới hơn 70% với các hình ảnh ghi được ở Quảng Bình, Ninh Bình và vịnh Hạ Long. Tuy nhiên trước khi đến Việt Nam, các nhà làm phim gần như không có khái niệm quay phim ở đây. “Chúng tôi đi một tua Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Campuchia thực ra mới là điểm được nghiên cứu nhiều nhất, Việt Nam ban đầu chỉ là điểm dự phòng, đơn giản vì chưa có ai thực sự quay phim ở đó cả”, Jordan Vogt-Roberts tâm sự với tờ Travelandleisure. Khi cả nhóm đặt chân tới Việt Nam, Jordan đổi ý bởi: “Tôi cảm giác như khung cảnh không giống bất cứ nơi nào chúng tôi từng du lịch”.

Những ngày đầu đoàn phim đến Quảng Bình, gần như cả làng tới xem-hình ảnh này xuất hiện trong một cảnh hậu trường khiến Jordan phấn khích. “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép điều này nếu quay phim ở Mỹ, nhưng đây là Việt Nam. Người Việt hãnh diện vì sự xuất hiện của chúng tôi và điều đó rất có ý nghĩa với đoàn làm phim”, Jordan nói.

Trong phim có cảnh con thuyền chở các nhân vật đi trên sông, đạo diễn và ê kíp ngồi thuyền bên cạnh. “Vào ngày quay phim, trời mưa to đến mức bạn không thể nhìn thấy đỉnh núi. Với tư cách đạo diễn, tôi không thể không hoảng loạn. Không hề có ánh nắng, chỉ có sương mù. Tôi nghĩ: Chúa ơi chúng ta đang quay phim ở một trong những địa điểm đẹp nhất hành tinh mà không thể thấy nó lộng lẫy thế nào. May mắn là bây giờ chúng tôi có thể tự hào về khung cảnh xuất hiện trên phim”, anh nói.

Tài tử Tom Hiddleston trong clip hậu trường tâm sự về cảnh quay trong đầm lầy khiến anh bị ướt và lạnh. “Cảnh quan thật tuyệt nhưng nước rất lạnh, chúng tôi nhìn xung quanh và nỗ lực vượt qua thử thách. Chúng tôi nhận ra mình ở trong đầm lầy và thật may mắn khi có mặt ở đây. Đó là khoảnh khắc tuyệt vời”, Tom kể.

Trả lời New York Times về cảnh nhân vật do Tom Hiddleston và Brie Larson thủ diễn gặp Kong, đạo diễn nói muốn tạo ra những khoảng lặng bên cạnh những lúc Kong gầm rú. “Tôi nói với diễn viên rằng cảnh này rất quan trọng, tôi muốn biểu cảm trên gương mặt họ cũng đầy kinh ngạc như khi lần đầu họ nhìn thấy con vật khổng lồ đấm nát những chiếc trực thăng”. Đây là một trong số cảnh thực hiện trong trường quay với màn hình xanh, tuy nhiên đạo diễn giải thích thêm, muốn làm bộ phim mà hầu hết cảnh phải quay ngoài thực địa. “Tôi muốn tới những nơi có thực và tôi không muốn quay ở Hawaii vì nó gắn liền với Công viên kỷ Jura. Vì vậy, tôi đến Việt Nam, nơi chúng tôi đưa lên màn ảnh những điều các bạn chưa từng thấy”.

Kong là sản phẩm sinh ra từ máy tính nhưng do diễn viên Terry Notary thủ diễn nhờ công nghệ motion picture (bắt chuyển động). Terry Notary khá nổi tiếng trong lĩnh vực này, từng diễn xuất vai khỉ Rocket của ba phần phim Hành tinh khỉ. Trong một lần trả lời phỏng vấn The Hollywood Reporter, Terry Notary nói điều tuyệt vời nhất khi sử dụng công nghệ bắt chuyển động là mọi thứ đều được chuyển tải, kể cả những biểu cảm đơn giản nhất trên gương mặt. “Tôi mất ba ngày ghi lại toàn bộ chuyển động của Kong. Năm 2000 khi bắt đầu đóng vai một con khỉ trong phim Hành tinh khỉ của Tim Burton, tôi nghiên cứu và bắt chước các con vật này nhưng có vẻ không hiệu quả. Khi vào vai một con vật to lớn bạn cần thả lỏng và cảm nhận mình thật nặng nề”, Terry nói.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".