Đề cập đến chế độ cảnh vệ đối với các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã nghỉ hưu, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng, dự thảo quy định “ba biện pháp bảo vệ cứng” như vậy nghĩa là phải thực hiện bắt buộc ngay cả khi những vị nguyên lãnh đạo đó không muốn. Theo ĐB Hùng, mỗi biện pháp cảnh vệ đều hạn chế quyền tự do của con người, tự do của công dân, khi các vị lãnh đạo cao cấp đã không còn giữ những trọng trách quan trọng của đất nước, trở lại cuộc sống của công dân nên để họ lựa chọn là phù hợp nhất.
ĐB Dương Văn Thông (Bắc Giang) cho rằng, nổ súng là hành vi cần thiết được quy định, tuy nhiên cần quy định chặt chẽ, cụ thể để đảm bảo quyền thực thi nhiệm vụ của chiến sỹ cảnh vệ, đảm bảo không vi phạm quyền con người, quyền công dân. ĐB Thông đề nghị dự thảo cần quy định theo hướng phân biệt các đối tượng được cảnh vệ, nổ súng để bảo vệ yếu nhân, nổ súng để bảo vệ sự kiện, khu vực cảnh vệ, nổ súng khi thực hiện công vụ có tổ chức và sự kiện độc lập...
Đánh giá việc luật hóa nguyên tắc bình đẳng giới trong luật còn chung chung, ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) băn khoăn với quy định đối tượng cảnh vệ có quyền yêu cầu lực lượng cảnh vệ bố trí bảo vệ tiếp cận là người cùng giới tính trong dự thảo. “Tôi phân vân cụm từ “cùng giới tính”, vì thực tế các nước khác tôi nghĩ nhiều đến giới tính thứ ba, nếu có cảnh vệ yếu tố nước ngoài thì chúng ta có đáp ứng được yêu cầu cùng giới tính trong bảo vệ yếu nhân không?”, bà Hạnh nêu.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của ĐB, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, ban soạn thảo dự kiến sẽ chỉnh lý về trường hợp nổ súng, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng cảnh vệ một cách cụ thể để đảm bảo quyền công dân và tạo điều kiện cho lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ. Về đối tượng cảnh vệ, theo Bộ trưởng Tô Lâm thì chưa nên bổ sung, hay thay đổi trong bối cảnh hiện nay.