Ranh giới mong manh
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), tình hình tội phạm sử dụng vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hết sức phức tạp, có xu hướng ngày càng gia tăng. Trong đó đáng lưu ý là tại một số cơ quan nhà nước cũng đã xảy ra tình trạng nổ súng gây chấn động dư luận, như vụ Yên Bái; vụ nổ súng xảy ra ở Cảnh sát giao thông Đồng Nai… Vì thế, việc xây dựng Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là rất quan trọng nhằm khắc phục những bất cập đã nảy sinh.
Từ thực tiễn, ông Hồng cho rằng, quy định nổ súng trong trường hợp nào là một vấn đề quan trọng. Thực tế nhiều trường hợp, nhiều vụ việc đáng nổ súng nhưng lực lượng chức năng lại không nổ. Ngược lại có vụ việc không đáng nổ súng thì lại nổ súng. “Quy định nổ súng thế nào để vừa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm tính mạng, sức khỏe của đối tượng, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự là điều quan trọng mà chúng ta cần thảo luận để đưa quy định phù hợp”, ông Hồng nói.
“Trong Bộ luật Hình sự có các quy định loại trừ là phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội. Do đó, nếu quy định tù mù, không rõ thì rất khó xử. Có khi cấp này phán anh sai thì anh phạm tội, cấp kia thì lại phán anh đúng, anh không phạm tội”.
Bà Lê Thị Nga,
Chủ nhiệm Ủy ban
Tư pháp
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bà Lê Thị Nga cũng cho rằng, ranh giới giữa nổ súng và không được nổ súng nhiều khi rất mong manh. Do đó, quy định thế nào để bảo đảm cho người thi hành công vụ khi được giao quyền sẽ kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn hành vi xâm phạm đến công dân, bản thân và người khác, nhưng cũng có những quy định chặt chẽ để không lạm dụng, vượt quá thẩm quyền.
“Trong Bộ luật Hình sự có các quy định loại trừ là phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội. Do đó, nếu quy định tù mù, không rõ thì rất khó xử. Có khi cấp này phán anh sai thì anh phạm tội, cấp kia thì lại phán anh đúng, anh không phạm tội”, bà Nga nói.
Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng cho biết, việc nổ súng khi đặt trong những tình huống nhạy cảm thì lúng túng, hoặc dễ bị lạm dụng, có nhiều vi phạm dễ xảy ra. Giờ có tình huống đặt ra là nổ súng không cảnh báo, nổ súng tiêu diệt luôn không cần cảnh báo. Những trường hợp nguy cấp, khi bảo vệ yếu nhân, nếu không nổ súng tiêu diệt thì nguy hại có thể xảy ra trong gang tấc.
Đề xuất trang bị súng cho công an xã
Theo tờ trình, ngoài những lực lượng như công an, quân đội chính quy được trang bị súng, Chính phủ đề xuất trang bị súng cho cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao. Một số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng - An ninh thì đề nghị bổ sung công an xã vào đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ. Giải thích về đề xuất trên, ông Võ Trọng Việt cho rằng, thực tế đối tượng này hiện nay đã được cấp rồi. Do đó, Ủy ban ủng hộ quan điểm nên cấp, vì công an xã không có vũ khí thì không được, còn việc quản thế nào lại là việc khác.
Đối với việc cấp vũ khí cho VKSND Tối cao, ông Việt cho biết, các vụ việc VKSND Tối cao làm, thường là liên quan đến những vụ án kinh tế, tham nhũng rất phức tạp. Nếu lực lượng điều tra của VKSND Tối cao mà trong tay không có gì cả cũng rất khó khăn. “VKSND Tối cao cũng chỉ có 180 điều tra viên trong diện được cấp vũ khí thôi, chứ không phải cấp cho toàn bộ trong cả nước, nên ủng hộ cấp cho đối tượng này”, ông Việt nói. Vụ Yên Bái là cấp cho ông ta đi công tác, có súng trong tay ông ấy bắn, phải chịu thôi chứ không phải luật sơ hở”, ông Việt giải thích trước những lo ngại việc mở rộng sẽ dẫn đến lạm dụng, sử dụng sai quy định.
Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) vẫn cho rằng, việc mở rộng lực lượng được trang bị vũ khí lại “lợi bất cập hại”. “Trong tình hình hiện nay xã hội có nhiều bức xúc. Luật quy định không chặt chẽ sẽ dẫn tới tình trạng dễ xảy ra bùng nổ xã hội. Từ kinh nghiệm của Mỹ, nên dự luật phải chi tiết hơn nữa”, ông Nghĩa đề nghị.