Điều chỉnh room tín dụng: Ráo riết đẩy 730 ngàn tỷ đồng ra nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng khoảng 6,2%, tương đương 730.000 tỷ đồng cấp cho nền kinh tế. Những ngân hàng được cấp thêm room tín dụng đều cấp tập hạ lãi suất cho vay xuống vùng đáy mới để “thúc” vốn vay ra mùa làm ăn cuối cùng trong năm.

Lãi suất chạm đáy, doanh nghiệp vẫn dè dặt vay

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng “èo uột” từ đầu năm đến nay, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải phân bổ lại tín dụng. Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 23/11, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái. Cụ thể, dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, khoảng 6,2% tương đương khoảng hơn 730.000 tỷ đồng để cấp cho nền kinh tế.

Theo đại diện NHNN, tăng trưởng tín dụng thời gian qua thấp, chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên nhu cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu… Theo đó, NHNN điều chỉnh hạn mức tín dụng các ngân hàng. Cụ thể, ngân hàng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022. Bên cạnh đó, những ngân hàng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua sẽ được ưu tiên.

Điều chỉnh room tín dụng: Ráo riết đẩy 730 ngàn tỷ đồng ra nền kinh tế ảnh 1

Ngân hàng liên tục giảm lãi suất cho vay thực hiện đợt kích cầu tín dụng cuối cùng trong năm. Ảnh: Như Ý

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, đến cuối tháng 11/2023 tăng trưởng tín dụng của TPBank đạt hơn 11%. Sau quyết định phân bổ lại tín dụng NHNN, TPBank được tăng thêm 5%. “Như vậy, room tín dụng để cho vay các doanh nghiệp và người dân rất lớn. Ngân hàng đã và đang tiếp tục hạ lãi suất cho vay cá nhân, doanh nghiệp”, ông Hưng nói. Theo vị này, với một số khoản vay đủ điều kiện, lãi suất có thể thấp hơn tới gần 4% so với trước đây.

Về giải pháp, ông Hưng cho rằng, ngân hàng sẽ duy trì các gói vay tập trung doanh nghiệp xây lắp, trang thiết bị y tế, dược phẩm, viễn thông, điện lực, nhà thầu xây lắp khu công nghiệp... Bên cạnh đó, các nhu cầu vay vốn để mua nhà, sắm xe cũng được ngân hàng tập trung, đẩy mạnh.

Trước đó, trong buổi gặp doanh nhân Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 10 vừa qua, bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng giám đốc VPBank cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này tới nay đã vượt mức 20%, cao hơn so với mức trung bình toàn ngành và gần tiệm cận room được NHNN cấp 24%.

Ngày 4/12, Ngân hàng VPBank thông báo giải ngân linh hoạt đối với khoản vay tín chấp trên ứng dụng VPBank NEO với ưu đãi giảm lãi suất đến 3%. (Phán đoán của giới đầu tư cho thấy, nhiều khả năng ngân hàng này đã xin nới thêm room tín dụng và được tăng hạn mức trong đợt điều chỉnh vừa qua). “Ngân hàng mong muốn hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng”, đại diện VPBank chia sẻ.

Ngày 2/12, Ngân hàng Sacombank triển khai nguồn vốn mới tăng tốc sản xuất kinh doanh 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp với lãi suất 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng, từ 5,5%/năm kỳ hạn 4 -12 tháng...

Bên cạnh đó, đối với khách hàng cá nhân, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất gói 15.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn chỉ từ 6%/năm kỳ hạn 1 - 3 tháng; 6,5%/năm kỳ hạn 4 - 6 tháng, triển khai đến hết ngày 31/1/2024. Đối với gói 10.000 tỷ đồng phục vụ đời sống, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất cố định trong 6 tháng đầu xuống còn 6,5%/năm hoặc cố định trong 12 tháng đầu 7,5%/năm, triển khai đến hết ngày 31/12/2023.

Ngân hàng VIB cũng thông báo triển khai gói tín dụng với lãi suất chỉ 5,5%/năm cho nhu cầu vay vốn kinh doanh. Với ngân hàng BIDV, từ nay đến hết năm 2023, khách hàng cá nhân có thể vay từ BIDV mua nhà với lãi suất từ 7,3%/năm áp dụng trong 6 tháng đầu hoặc từ 7,8%/năm áp dụng trong 12 tháng đầu... Đại diện một ngân hàng thương mại nói rằng: “Chưa có lúc nào mà lãi suất cho vay lại thấp như lúc này”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản Thuận Phước cho biết, năm nay doanh thu của doanh nghiệp giảm 20% so với năm ngoái, bởi do xuất khẩu sụt giảm, giá giảm trong khi chi phí đầu vào tăng. Theo ông Lĩnh, hiện nay vào mùa làm ăn cuối cùng trong năm và doanh nghiệp nhận được nhiều cuộc gọi từ phía ngân hàng chào mời vay vốn. “Có ngân hàng chào lãi suất 4- 5%/năm vay ngắn hạn, thậm chí có ngân hàng có lãi suất thấp hơn. Thế nhưng, vào thời điểm này, tôi không dám vay. Nếu vay để mua hàng cất kho bây giờ mà giá xuất khẩu tiếp tục giảm doanh nghiệp sẽ lỗ kép. Hiện tại, tôi chỉ thu tiền về để trả ngân hàng chứ không dám vay thêm”, ông Lĩnh nói.

“Vấn đề của các ngân hàng bây giờ là quyết tâm làm sao cung ứng vốn đến khách hàng có đủ điều kiện. Tất cả các doanh nghiệp, người dân có nhu cầu vay vốn chính đáng, đủ điều kiện, ngân hàng đều phải xử lý. Không thể có chuyện đưa ra lý do này, lý do kia để gây khó được".

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng

Theo ông Lĩnh, năm ngoái, doanh nghiệp tha thiết cần vốn tín dụng thì các ngân hàng đều thông báo hết room, thậm chí đưa ra mức lãi suất cho vay cao trong khi đó, năm nay ngân hàng chào mời vay với lãi suất thấp nhưng doanh nghiệp không nhìn thấy khả năng trả nợ nên chưa vay.

Còn một giám đốc siêu thị ở Hà Nội chia sẻ, giờ đang bước vào cao điểm chuẩn bị hàng hóa dịp Tết Nguyên đán song năm nay kinh tế khó khăn nên doanh nghiệp không “ôm hàng” nhiều như mọi năm. “Tôi không vay ngân hàng dù lãi suất chào mời thấp. Doanh nghiệp sẽ dùng vốn tự có để mua hàng và số lượng mua cũng hạn chế bởi, tôi dự đoán sức mua hàng Tết giảm”, vị này nói.

Không có chuyện cho vay bằng mọi giá

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết ngân hàng thừa thanh khoản nên cũng “đỏ mắt” tìm khách hàng. Tuy nhiên, cầu tín dụng khá yếu, nhiều doanh nghiệp còn cơ cấu tài sản, đem tiền gửi ngân hàng. “Vấn đề của các ngân hàng bây giờ là quyết tâm làm sao cung ứng vốn đến khách hàng có đủ điều kiện. Tất cả các doanh nghiệp, người dân có nhu cầu vay vốn chính đáng, đủ điều kiện, ngân hàng đều phải xử lý. Không thể có chuyện đưa ra lý do này, lý do kia để gây khó được”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, song song với quá trình thúc đẩy tín dụng, ông Hùng lưu ý mọi khoản vay đều phải đúng chuẩn, hạn chế nợ xấu sau này. “Nhiều ngân hàng chạy đôn chạy đáo để cho vay nhưng cần lưu ý, không cho vay bằng mọi giá, dễ gây hệ lụy về sau", ông Hùng nhấn mạnh. Lãi suất đã giảm về mức rất tốt, ngân hàng cũng rất muốn cho vay, vấn đề bây giờ là ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước vừa “chia” lại room tín dụng, đây là động thái quan trọng để chuyển hạn mức những ngân hàng không dùng sang các nhà băng muốn mở rộng, tránh ứ đọng vốn.

Theo ông Bình, vấn đề chính vẫn phải trông chờ khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Thông thường, cuối năm nhu cầu hàng hóa xuất khẩu, phục vụ Giáng sinh, Tết Nguyên đán tăng cao, cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khối sản xuất, tiêu dùng tiếp cận vốn tốt hơn.

Thu thuế 11 tháng đạt hơn 1,36 triệu tỷ đồng

Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng của năm 2023 do cơ quan thuế quản lý đạt 1.336.002 tỷ đồng, bằng 97,3% so với dự toán. Tổng cục Thuế tổ chức đoàn công tác làm việc với 16 cục thuế có tổng nguồn thu chiếm 66,6% toàn ngành thuế. Ngành thuế thực hiện 62.343 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở DN; kiểm tra được 581.367 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế kiến nghị, xử lý tổng số tiền là 57.937 tỷ đồng.

Trong tháng cuối cùng của năm 2023, Tổng cục Thuế yêu cầu đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế tại các cục thuế; tham mưu Tổng cục Thuế chấn chỉnh nghiêm các đơn vị vi phạm.

Ngọc Linh

MỚI - NÓNG