Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) lần đầu cho các ngân hàng vào quý I và có 3 đợt nới room trong năm.
Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ kiên định với mục tiêu điều hành tăng trưởng tín dụng 14-15% trong năm nay.
Room tín dụng không còn chật hẹp. |
Trước đó, tại văn bản số 225 ngày 15/6/2023, thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) cần thiết, hợp lý trong năm nay.
Ngân hàng Nhà nước phải phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm; chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.
Tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Đào Minh Tú cho biết, ngay tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng thương mại trên cả nước là 11%. Định hướng của năm nay là tăng trưởng tín dụng 14-15%, có điều chỉnh tuỳ theo điều kiện.
"Nếu kiểm soát lạm phát tốt; nhu cầu vốn bức thiết thì có thể tăng room tín dụng thêm nữa. Nhưng cũng có thể ngược lại, nếu như có những tín hiệu kém khả quan, lạm phát tăng thì sẽ hạ hạn mức tăng trưởng tín dụng xuống”, ông Tú cho biết.
Theo ông Tú, dù chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giao từ đầu năm là 11% nhưng thực tế, tăng trưởng tín dụng đến nay mới đạt 3,36%. Nghĩa là các ngân hàng còn rất nhiều dư địa cho vay.
Hồi tháng 3, trong một báo cáo phân tích, VNDirect đã cập nhật room tín dụng của một số ngân hàng.
Cụ thể, HDBank được cấp hạn mức tín dụng lần đầu năm 2023 tới 11%, ACB 9,8%, Vietcombank 9,6%, VIB và Techcombank cùng ở mức 9,5%, TPBank 9,1%, VPBank và MBBank cùng được cấp ở mức 9%, BIDV là 8,3% và LienVietPostBank thấp hơn ở mức 8%.
Đáng chú ý, trong danh sách thống kê của chứng khoán VNDirect nổi lên là MSB được cấp room tín dụng cao nhất ở lần xét đầu này, tới 13,5%.