Diện tích tâm hồn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là chữ của Chế Lan Viên, rằng trái đất rộng thêm ra một phần vì “diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ”. Nhưng ở chiều ngược lại, nhà thơ cũng cảnh báo “Chớ lấy cớ thơ mà viết những chữ thùng thình như áo rộng, rộng hơn đời”. Một Hoàn Kiếm “rộng thùng thình” thì sẽ ra sao?

Suốt tuần qua xôn xao câu chuyện Hoàn Kiếm quận lõi trung tâm Hà Nội sẽ bị sáp nhập, để đáp ứng tiêu chí về diện tích. Đó là tối thiểu phải rộng 35km2 chứ không thể chỉ có 5,29km2 như hiện tại. Dư luận phần đông lo lắng việc sáp nhập sẽ “đánh mất” đi địa danh lịch sử, cũng như các di sản, di tích. Kỳ thực nếu sáp nhập, thì cái tên Hoàn Kiếm chắc sẽ không mất, các di tích lịch sử, văn hóa, thiên nhiên hẳn vẫn còn nguyên đó chẳng ai lấy đi đâu. Nhưng vấn đề cần được suy nghĩ theo hướng khác.

Câu hỏi đặt ra, là quận được nới rộng lên gấp 7 lần theo chuẩn diện tích, thì chuẩn dân sinh có được cải thiện không? Người trong phố cổ có thoát được cảnh sống chật chội khổ sở không, diện tích sống có tăng thêm được cm nào không? Đường sá giao thông có thoáng hơn không? Giường bệnh có rộng thêm ra chút nào không? Có giải quyết được tình trạng thiếu trường thiếu lớp, dẫn đến nguy cơ học sinh Hoàn Kiếm muốn vào trường công lập phải lên Ba Vì để học không? Là quận nhỏ nhất nhưng có tới 18 phường, bộ máy có cồng kềnh quá không? Nếu không, thì sáp nhập chỉ là bài toán cơ học, là phép cộng máy móc.

Hoàn Kiếm bị sáp nhập, không chỉ là một ví dụ điển hình về công cuộc tách nhập đang diễn ra hiện nay, mà như ẩn dụ về mô hình đặc thù, về cái riêng biệt. Khi các địa phương nơi nào cũng na ná như nhau, một thời đâu cũng cảng biển, sân bay, khu kinh tế, và gần đây là “thành phố trong thành phố”… Mô hình chính quyền đô thị sau bao năm vẫn chưa ra hình hài. Luật Thủ đô ra đời đã hơn 10 năm, nay đang sửa đổi, nhưng đã giúp Hà Nội giải quyết được hàng loạt những hạn chế, bất cập hiện nay chưa? Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị bắt tay thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết mới đây của Quốc hội, liệu còn thường xuyên phải gửi văn bản “hỏi” bộ, ngành trung ương?

Chúng ta thích những thứ hoành tráng, khổng lồ, từ chùa chiền, tượng đài cho đến bánh chưng, bánh giầy, ly cà phê, tô hủ tiếu, cái ram rán ngồn ngộn như núi. Mà không nhìn ra thế giới, xem hầu hết những địa danh, công trình khiêm tốn vừa tầm với con người mới thực sự là biểu tượng văn hóa. Cũng như chúng ta đã có Hội An - một “ngôi làng toàn cầu”, chứ không phải một đô thị đồ sộ nghênh ngang.

Từ nửa thế kỷ trước, nhà kinh tế học người Anh Ernst F. Schumacher đã đưa ra học thuyết “Nhỏ là đẹp” (Small is beautiful), và ngày càng được đánh giá cao. Giữa thời đại toàn cầu hóa hiện nay, mọi thứ đang bị phình ra dữ dội, thì Schumacher cho rằng việc tạo ra “các thể chế quy mô con người” là đặc biệt cần thiết. Con người với tầm vóc và vẻ đẹp muôn thuở mới là thước đo, chứ không phải những cỗ máy, những bộ máy khổng lồ. Với ông, bất kỳ ai cũng có thể làm mọi thứ trở nên to lớn, nhưng chỉ những thiên tài can đảm mới làm được theo chiều hướng ngược lại.

Có nên chạy theo những thứ “rộng thùng thình” vô nghĩa, để thu hẹp “diện tích tâm hồn”, giải tỏa những không gian tinh thần muôn thuở của con người?

MỚI - NÓNG