Điện sáng vùng biên

Ông Vũ Trọng Bằng ở khu dân cư Chàng Riệc sử dụng điện bơm nước tưới cho vườn mít cao sản lên xanh tốt. Ảnh: Đại Dương
Ông Vũ Trọng Bằng ở khu dân cư Chàng Riệc sử dụng điện bơm nước tưới cho vườn mít cao sản lên xanh tốt. Ảnh: Đại Dương
TP - Con đường nhựa chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, đoạn từ trung tâm huyện Tân Biên đến Chàng Riệc (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) như một dải lụa uốn lượn xuyên qua rừng, qua những cánh đồng bạt ngàn sắn xanh ngắt. Dọc con đường ấy là đường dây điện khang trang và từ đó, lưới điện như mạch máu tỏa khắp các ngõ ngách, xóm ấp vùng biên.

Đời sáng cùng điện

Đến Tân Khai, một ấp vùng sâu giáp biên giới Campuchia (thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) vào một buổi sáng cuối tháng 8/2014, tôi gặp ông Vũ Trọng Bằng, lão nông - cựu chiến binh 70 tuổi. Ông Bằng đang trên đường đi thăm ruộng lúa bằng chiếc xe máy lấm lem bùn đất. 

Thăm hỏi một lúc, ông Bằng cởi mở kể: “Tôi quê Thanh Hóa. Gia đình tôi trước đây ở xã Suối Ngô (huyện Tân Châu, Tây Ninh -PV) rất nghèo khó, làm không đủ ăn. Giữa năm 2012, gia đình tôi được chuyển đến sinh sống tại khu dân cư Chàng Riệc (thuộc ấp Tân Khai)”. Sau rất nhiều chi tiết phác họa về một cuộc sống mới, ông Bằng khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Từ ngày được đến Chàng Riệc, gia đình chúng tôi như được đổi đời”. 

Nói rồi, ông Bằng quay xe đưa tôi về thăm nhà. Vừa đi, ông vừa cho biết, khu đất sản xuất của gia đình ông cách nơi ở không xa. Vì là ruộng trũng nên chủ yếu ông trồng lúa và ít hoa màu khác, không chỉ dư thừa cái ăn quanh năm mà còn thêm ít tích lũy - điều trước đó gia đình ông gần như không có được. Nhà ông Bằng tuy đơn sơ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp đúng như chất của người lính. Trong vườn nhà, ông trồng 20 cây mít cao sản, chưa đầy 2 năm tuổi nhưng đã sum xuê cành lá. Ông bảo, chỉ khoảng vài năm nữa là mít ra trái và có thu. Ngoài ra, ông Bằng còn trồng một số rau xanh để sử dụng trong gia đình, loại nào cũng mơn mởn xanh. 

Mỗi bước đi của ông Bằng trong vườn nhà đều gây ra tiếng lạo xạo. Thấy khách tò mò, ông chỉ xuống đất ngay nơi đứng và giải thích: “Đất ở đây phần lớn là đá ong, hạt nào cũng to như bỏng ngô. Trong đó, khí hậu lại nóng nên vườn khá khó trồng cây. Sở dĩ vườn cây của tôi xanh tốt là nhờ bơm nước tưới hằng ngày. Mà muốn bơm tưới được thì không thể không có điện. Cũng may, điện ở đây đầy đủ, chất lượng ổn định nên ngay khi dọn về ở, tôi khoan giếng, bơm nước cải tạo đất”. ông Bằng cũng quả quyết rằng: “Ở một nơi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá khắc nghiệt như thế này, nếu không có đủ nước tưới, chắc chắn sẽ khó có thể trồng được cây gì cho ra hồn. Nhưng dù có đào giếng mà không có điện thì cũng không sức đâu xách từng thùng nước tưới cho khắp vườn cây”. 

Ông Nguyễn Mạnh Tường - Bí thư Chi bộ ấp Tân Khai cho biết, khu dân cư Chàng Riệc có 296 hộ, do Chính phủ đầu tư xây dựng, hoàn thành và đón người dân đầu tiên đến ở vào giữa năm 2012. Những hộ dân được được lựa chọn đưa về sinh sống ở khu dân cư Chàng Riệc thuộc diện nghèo và cận nghèo ở các huyện thị trong tỉnh và gia đình ông nằm trong số đó. Mỗi hộ dân được cấp nhà gắn với 1.000 m2 đất ở và 1 héc ta đất sản xuất. Trong số gần 300 hộ dân về đây sinh sống, có 61 hộ người đồng bào các dân tộc Khơmer, Mường, Chăm, Nùng, Thái, Tà Mun… “Điện, nước sạch sinh hoạt được kéo đến từng nhà. Nhiều hộ biết sử dụng điện vào sản xuất, đặc biệt là khoan giếng bơm nước tưới tiêu để nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng. Một số hộ đã bước đầu chuyển sang các loại cây trồng đem lại lợi nhuận cao, điển hình như cây hồ tiêu”. 

Điện sáng vùng biên ảnh 1

Bé Huỳnh Tấn Đạt (9 tuổi) ở ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành (Tây Ninh) tung tăng đạp xe dọc đường làng với lưới điện mới được đầu tư nâng cấp.  Ảnh: Đại Dương

Dạo một vòng quanh khu dân cư Chàng Riệc và nhận thấy, các dịch vụ như quán ăn, photocopy, làm đẹp, sửa chữa xe và máy… cũng đã được mở ra. Nhờ vậy, đời sống của người dân được nâng cao và cơ bản thoát nghèo. Theo ông Tường, địa phương vừa mới tiến hành điều tra thu nhập cách đây ít tháng, kết quả cho thấy thu nhập bình quân đầu người ở Chàng Riệc là 19 triệu đồng/năm. Với số tiền ấy, gần như là một sự thay đổi lớn đối với những người vốn rất nghèo khó. Ông Tường khẳng định: “Điện đã phát huy mạnh mẽ tác dụng phục vụ sinh hoạt, mở mang văn hóa, phát triển sản xuất, dịch vụ... nâng cao và ổn định đời sống, từ đó góp phần giữ vững an ninh khu vực biên giới này”.

Phó giám đốc Điện lực Tân Biên (Công ty Điện lực Tây Ninh), ông Nguyễn Ngọc Thanh Tâm cho biết, dự án đưa điện về khu dân cư biên giới Chàng Riệc có tổng vốn đầu tư trên 5,6 tỷ đồng, do Công ty Điện lực Tây Ninh (Tổng công ty Điện lực miền Nam) làm chủ đầu tư và đến nay đã phát huy hiệu quả rất rõ rệt. Dự án được triển khai đồng thời với việc xây dựng khu dân cư Chàng Riệc. Đây là một trong 3 dự án xây dựng khu dân cư biên giới ở khu vực phía bắc tỉnh Tây Ninh.

Phát triển lưới điện dọc biên giới

Không riêng Chàng Riệc hay các khu dân cư tập trung, hầu hết các làng xã, xóm ấp dọc biên giới, thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh đều được kéo điện đến tận nhà và người dân biết phát huy lợi thế của điện trong việc mở mang kiến thức, nâng cao đời sống. Đến thăm nhà anh Trương Tấn Kiệt ở ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành (Tây Ninh) vào lúc xế chiều ngày 28/8. Mặc kệ nắng gắt, chủ nhà vẫn điềm nhiên lưng trần ngồi uống trà, hút thuốc. Hình ảnh ấn tượng đập vào mắt chúng tôi là hai chiếc máy có gắn vòi bơm nước to vật để trước nhà. “Đây là hai chiếc máy dùng để bơm nước tưới cho hoa màu” - anh Kiệt giải thích. Anh cho biết gia đình anh hiện có 7 công ruộng và trên 1 mẫu đất. Do thiếu nước tưới nên trước đây mỗi năm chỉ sản xuất một vụ nhờ vào nước trời. 

Điện sáng vùng biên ảnh 2

Cô gái Đỗ Thị Mý (24 tuổi) nâng niu những trái cây trĩu cành của gia đình tại khu dân cư Chàng Riệc. Ảnh: Đại Dương

Hơn 10 năm trước, anh Kiệt nhớ lại, điện đã được kéo về nhưng chủ yếu là lưới điện do dân tự đầu tư và tự quản, không đảm bảo kỹ thuật nên thường xuyên chập chờn và người dân cũng chủ yếu chỉ sử dụng ánh sáng sinh hoạt. Kể từ năm 2012 đến nay, ngành điện tiếp nhận lưới điện của dân và cải tạo, nâng cấp nên chất lượng điện rất ổn định. Từ ngày đó, chúng tôi kéo điện bơm tưới nên mỗi năm tăng thêm 1 vụ sản xuất, nhờ vậy “hoa lợi” cũng khấm khá hơn. Khi có nhiều rơm rạ và phụ phẩm từ hoa màu, anh Kiệt cũng như nhiều hộ gia đình khác đã tăng cường nuôi heo, bò để nâng cao thu nhập.   

Tỉnh Tây Ninh là cửa ngõ giao thương với nước bạn Campuchia, có 240 km đường biên giới giáp ranh. Phó giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh, ông Nguyễn Hữu Lễ cho biết, hiện Công ty Điện lực Tây Ninh đang cung cấp điện cho hầu hết nhân dân sinh sống tại các xã vùng biên giới, khu kinh tế tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát.

Ông Lễ cũng cho biết, Tây Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện việc tiếp nhận lưới điện nông thôn (do người dân tự đầu tư và quản lý) và tổ chức bán lẻ đến từng khách hàng. Trước khi tiếp nhận, chỉ có trên 85% hộ dân nông thôn trong tỉnh có điện. Do lưới điện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, mất an toàn và đặc biệt là hao hụt rất lớn dẫn đến người dân phải mua điện với rất cao, gấp 4-5 lần giá do Chính phủ quy định. Ngay sau khi tiếp nhận (giữa năm 2005), Công ty Điện lực Tây Ninh đã dồn hầu hết nguồn vốn được phân bổ để sửa chữa, nâng cấp cải tạo lưới điện tiếp nhận nhất là lưới điện hạ áp nông thôn, với số vốn trên 30 tỷ đồng mỗi năm. Do khối lượng tiếp nhận quá lớn nên đến nay mới cơ bản sửa chữa xong lưới điện tiếp nhận. Đến nay, toàn tỉnh có 237.079/238.598 hộ dân nông thôn có điện, đạt 99,36% và 100% số xã, ấp đã có điện lưới quốc gia. 

Ông Lễ lấy làm tự hào bởi Tây Ninh là địa phương có nhiều căn cứ địa cách mạng như Trung ương cục miền Nam huyện Tân Biên, địa đạo An Thới (Rừng Rong, huyện Trảng Bàng), Chiến khu Bời Lời (huyện Gò Dầu)... Những khu căn cứ này phần lớn nằm gần biên giới và hầu hết nhân dân sinh sống trong các vùng căn cứ cách mạng đều đã được cấp điện từ lưới điện quốc gia. 

Không chỉ cấp điện cho người dân trong tỉnh Tây Ninh, ngành điện còn cung cấp điện ổn định cho một số khu vực thuộc 2 tỉnh của nước bạn Campuchia là Campông Cham và Svay Riêng giáp ranh với Việt Nam tại 6 điểm là: Vacsa - Daunroth và Chàng Riệc - Daung Prampy Deum (huyện Tân Châu); Xa Mát – Trapeang Thlong và Tân Phú - Anlung Chrey (huyện Tân Biên); Mộc Bài - Bavét 1 và Mộc Bài - Bavét 2 (huyện Bến Cầu). Sản lượng điện năng cung cấp cho nước bạn khoảng 14 triệu kWh/tháng. “Việc cung cấp điện ổn định, liên tục tại các khu vực vùng biên nhằm mục đích góp phần phục vụ chính trị, cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng cho Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung” – ông Lễ nói.

MỚI - NÓNG