“Điện Biên Phủ' - Bài ca nước Pháp không bao giờ quên

Tù binh Pháp sau trận Điện Biên Phủ (Ảnh nhỏ: Nhạc sỹ Jean-Pax Méfret).
Tù binh Pháp sau trận Điện Biên Phủ (Ảnh nhỏ: Nhạc sỹ Jean-Pax Méfret).
TP - “Điện Biên Phủ” không chỉ là ký ức bi thương đối với những người lính Pháp có mặt ở đó, mà ám ảnh với cả thế hệ sau ở Pháp.  Điện Biên Phủ - Tonkin (Bắc bộ) - Đông Dương trở thành những địa danh ghi trong lịch sử chiến tranh Pháp, trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của văn nghệ sỹ Pháp. Nay có ban nhạc trẻ lấy tên Đông Dương. Điện Biên Phủ cũng là tên một bài hát được nhiều người Pháp biết đến. 

“Điện Biên Phủ” do nhạc sỹ Jean-Pax Méfret sáng tác năm 1982. Ông sinh năm 1944 ở Alger (khi đó là thuộc địa của Pháp). Ông là nhà báo tầm cỡ, nhà văn cũng là nhạc sỹ, nghệ sỹ được nhiều người biết đến. Ông được tặng công dân danh dự của tỉnh Aix-en- Provence, nơi có nhiều người Pháp từ Algérie trở về Pháp sống. Đó danh hiệu cao quý dành cho những người đóng góp lớn về văn hóa khoa học… cho thành phố. Ông là tác giả của nhiều bài hát về chiến tranh, về những người lính trên chiến trường.

Jean - Pax Méfret sáng tác bài “Điện Biên Phủ” để tặng cho tất cả những người lính Pháp ngã xuống ở Điện Biên Phủ và đại tá Bigeard từng bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ, người  sau này được phong hàm tướng và giữ chức Bộ trưởng. Điện Biên Phủ đã là vết thương vĩnh viễn không quên trong đời quân ngũ của nhiều người lính và của nhiều vị tướng già Pháp, nên trước khi chết Bigeard chỉ mong được trải tro ở Điện Biên Phủ.

Giọng trầm cùng khúc nhạc hùng tráng gần như xuyên  suốt bài hát, như một bản anh khúc ca “chúng tôi vẫn tự hào về các bạn đã chiến đấu đến phút cuối” nhưng bỗng nhiên gần cuối chuyển sang như lời thì thầm trước nấm mộ khô hoa, cây thánh giá xiêu vẹo… và lời thì thầm “tôi không quên…” làm xúc động người nghe. Lời bài hát “Điện Biên Phủ” “Tôi không quên…” ; “các bạn cùng nhau dùng gói mì khốn khổ” làm tôi liên tưởng đến những lời  bài hát về chiến tranh ở Việt Nam  “những chiều hành quân hối hả, gạo hầm cầm hơi, một điếu thuốc cũng chia đôi”… “Tôi không thể nào quên”… (“Bài ca tôi không quên” của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn)  hay “Mùa xuân ấy, có người lính ra đi từ đó không về” (“Màu hoa đỏ” -Thuận Yến)… Chiến tranh đều tổn thương, mất mát và nỗi đau của cả hai bên. Chiến tranh đã in hằn vết thương không chỉ những người ra trận mà cả những người hậu phương và thế hệ sau.

Nhạc và lời bài hát “Điện Biên Phủ” vừa hùng tráng, vừa bi ai với điệp khúc Điện Biên Phủ, như nhắc nhở con người đừng gây chiến tranh.  Bài hát không có một lời hận thù, nhưng điệp khúc Điện Biên Phủ được tách ra từng âm, dằn xuống như những nhát búa nện xuống thức tỉnh những tâm hồn vô tri đối với chiến tranh.

Vết thương lâu lành

Bài hát không chỉ làm dấy lên vết thương bỏng đau của nước Pháp mà còn thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu chính trị, lịch sử và văn hóa. Một bài hát giá trị phản ánh được những khía cạnh hai mặt của một sự kiện lịch sử. Nhiều nhà chống thực dân cho rằng Pax Mefret đã phơi ra thực tế ẩn chìm khát vọng thuộc địa, nỗi đau của niềm tự hào thuộc địa đã bị bôi nhọ, những người lính nằm xuống hay trở về bị lãng quên.

Sau này bài hát đã được các cựu chiến binh lồng trong các video để kể lại cuộc chiến Điện Biên Phủ. Đoạn kết trong các video sau này được ghép với bài hát “Những chiếc bánh mỳ khốn khổ”. Bài hát này cũng tả nỗi tâm trạng nhiều người lính thất trận Điện Biên Phủ trở về tưởng sẽ bình an trong lòng gia đình, về với quê hương, nhưng họ lại phải đi chiến đấu tiếp ở bên Algérie, Tunisie, Maroc. Việt Nam trở thành tấm gương cho các nước thuộc địa chiến đấu giành độc lập. Nhiều người lính Pháp lại ngã xuống. Điện Biên Phủ chưa phải là kết thúc. Thất trận tiếp ở bên châu Phi, nước Pháp mất dần thuộc địa. Nước Pháp không muốn khơi lại nỗi đau này. Niềm tự hào vinh quang đế chế mênh mông thuộc địa đã hết. Những người lính tử trận để bảo vệ vầng hào quang thuộc địa dường như không ai nhắc đến. Tác giả đã trình bày bài này giữa sân khấu hoành tráng Olympia chứa hàng nghìn khán giả và được hoan nghênh nhiệt liệt.

Nếu những bài hát xưa “Cô gái Bắc Kỳ nhỏ nhắn” (1906) để kêu gọi người Pháp hám hương thơm cỏ lạ hãy đến Đông Dương với nhiều gái đẹp thì bài hát này của thế hệ sau như một ý thức nhắc nhở sự mất mát đau buồn trong chiến tranh. Lời bài ca đã thấy cảnh chiến tranh, và nỗi buồn người lính. Họ ngã xuống khi còn là những “đứa trẻ” vừa mới lớn. Những người lính còn chưa kinh nghiệm đường trường đã phải nằm xuống nơi đất khách quê người giữa lòng chảo bùn lầy Điện Biên Phủ. Tác giả là nhà văn nên ông dùng từ rất thâm thúy “Những đứa trẻ 18 chiến đấu bên cạnh vị chỉ huy”. Bài ca nhắc nhở dù thất bại, họ cũng đã ngã xuống vì nước Pháp khi còn rất trẻ để bảo vệ thuộc địa mà những người nhân danh đi khai sáng đến xâm chiếm đất nước khác. Vinh quang ở đấy, nhưng đau thương cũng ở đấy.

Điệp khúc “ Điện Biên Phủ” nhấn mạnh một bài học lịch sử không bao giờ quên của nước Pháp. Hy vọng sẽ mãi mãi không có điệp khúc Điện Biên Phủ thứ hai để Trái đất thanh bình không khói đạn bom. 

MỚI - NÓNG