Không biết bộ phim Việt “Hương ga” sắp tới có thắng doanh thu phòng vé không, khi được đầu tư quảng bá quá kỹ, quá bài bản. Chỉ có điều một phim muốn hấp dẫn khán giả, điều cốt yếu đầu tiên là phải cuốn được khán giả vào không khí phim, theo dõi các nhân vật. Muốn vậy, đạo diễn và các diễn viên phải duy trì được mạch cảm xúc ở đây có thể coi như sức khỏe tâm lý và thể chất từ đầu đến cuối phim.
Bệnh “đầu voi đuôi chuột” luôn là bệnh trầm kha của phim Việt, khi mở có vẻ hay nhưng càng sau càng đuối và kết thì dở tệ, hoặc “lúc lên lúc xuống”, trồi sụt làm người xem hụt hẫng. “Hiệp sĩ mù” - phim đầu tay của Đàm Vĩnh Hưng - không đạt doanh thu như mong muốn dù họ Đàm không thiếu chiêu PR chính là minh chứng.
Điện ảnh không thể có phút thứ 89 nghĩa là đầu dở nhưng cuối hay, không có những phút 89 hay 90+x muộn màng đầy kịch tính như bóng đá.
Mà điện ảnh phải hay ngay từ đầu. Và giữ cái hay đó đến cuối phim.
Bộ phim Mỹ “Cô gái mất tích” (Gone Girl) đang tạo nên cơn sốt trên thế giới, trong có VN, làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng thị trường phim Bắc Mỹ mấy tuần qua, kéo dài gần 150 phút nhưng làm khán giả không thể rời mắt khỏi màn ảnh.
Câu chuyện kịch tính đến phút cuối cùng, đánh vào thần kinh khán giả bằng một câu chuyện tâm lý có vỏ bọc hình sự hấp dẫn và không thể đoán định. Khởi đầu là sự mất tích bí ẩn của Amy Elliott Dune - vợ của Nick Dunne - vào đúng dịp kỷ niệm 5 năm ngày cưới của hai vợ chồng.
Ban đầu mọi nghi ngờ, chứng cứ đều đổ dồn vào Nick, nhất là khán giả bị đánh lừa bởi những dòng nhật ký của Amy. Và khi nút thắt này được mở ra thì nút thắt khác lại tiếp nối và tim người xem bị bóp nghẹt vì những cú twist (đảo ngược lại).
Đạo diễn David Fincher đã thể hiện con mắt xanh tuyệt vời khi chọn nữ diễn viên Rosamund Pike cho vai Amy, một diễn xuất giàu biểu cảm (từ tư thế, động tác cho đến đôi mắt biết nói luôn ẩn giấu một điều gì không thể nắm bắt) và cô đang là ứng viên sáng giá cho giải Oscar 2015.
Diễn xuất của R.Pike còn làm lu mờ ngôi sao Ben Affeck trong vai Nick, người chồng, lúc đầu bị “cả nước Mỹ ghét bỏ” để rồi sau đó nhận sự chia sẻ, đồng cảm đến phát cuồng lên.
Bao cảm xúc, sắc thái tinh vi của con người trong tình yêu và hôn nhân, chất lãng mạn, chất bi kịch… tất cả đều được lột tả trong “Cô gái mất tích” và nó còn ấn tượng mạnh mẽ hơn cả phiên bản tiểu thuyết cùng tên.
Theo Việt Văn