Ngày 13/6, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã quyết định áp lệnh phong tỏa một số khu vực của thành phố sau khi có tình trạng tái bùng phát dịch COVID-19.
Trước đó, hôm 11/6, Bắc Kinh ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 mới đầu tiên sau gần 2 tháng. Cả hai ca đều ở quận Phong Đài, nơi có chợ đầu mối Xinfadi.
Đến ngày 12/6, số ca nhiễm mới ở Bắc Kinh tăng lên tới 6 ca.
Sang ngày 13/6, 36 ca bệnh mới đã được xác nhận ở Bắc Kinh. Ngoài ra, còn có hơn 40 ca không triệu chứng khác được phát hiện sau khi chính quyền xét nghiệm hàng ngàn người từ chợ Xinfadi.
Ổ dịch Bắc Kinh giống với ổ dịch Vũ Hán
Tờ SCMP dẫn lời một chuyên gia y tế cho biết ổ dịch ở Bắc Kinh có nhiều điểm tương đồng với ổ dịch đầu tiên ở tâm dịch Vũ Hán.
Cùng lúc đó, Yang Zhanqiu - Phó Chủ nhiệm khoa Sinh học mầm bệnh tại Đại học Vũ Hán cho biết các khu chợ nói chung và chợ hải sản nói riêng thường là môi trường lý tưởng để virus SARS-CoV-2 lây lan do tính chất ẩm ướt và đông đúc.
Trước đó, tại chợ hải sản Huanan ở Vũ Hán, trong số 585 mẫu xét nghiệm môi trường được thu thập, có 33 mẫu dương tính với SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, quan chức Trung Quốc khẳng định chưa thể kết luận chợ Huanan là nguồn lây COVID-19.
Chợ đầu mối Xinfadi. Ảnh: Global Times
Giống với chợ hải sản Huanan ở Vũ Hán, tại chợ Xinfadi ở Bắc Kinh, ít nhất 40 mẫu xét nghiệm môi trường đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Một số mẫu dương tính trong số đó được lấy từ thớt chế biến cá hồi nhập khẩu.
Zhang Yuxi - người đứng đầu chợ Xinfadi cho biết số cá hồi này được lấy từ chợ hải sản Jingshen, cũng thuộc quận Phong Đài.
Chuyên gia khẳng định cá khó có thể truyền virus cho người
Theo Global Times, chợ Xinfadi ở Bắc Kinh bắt đầu được để ý sau ngày 12/6, khi xuất hiện 2 ca bệnh là nhân viên Trung tâm Nghiên cứu Thực phẩm thịt ở quận Phong Đài, cách chợ Xinfadi khoảng 6km.
Một trong số hai nhân viên nói trên đã đến chợ Xinfadi để khảo sát.
Ngoài ra, một ca bệnh được phát hiện ngày 11/6 cũng đã đến chợ Xinfadi mua thực phẩm trong khu thịt bò-cừu.
Khu thịt bò-cừu chủ yếu bán thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và các loại gia vị.
Ảnh: Global Times
Xinfadi là chợ đầu mối lớn nhất Bắc Kinh, nơi các thương lái đến mua rau, thịt và hải sản.
Theo chuyên gia Yang Zhanqui, các thương lái ở chợ hải sản có nhiều khả năng tiếp xúc với các loại động vật mang virus. Tuy nhiên, ông Yang tin rằng bản thân các loại hải sản, bao gồm cá hồi, không có khả năng mang virus, vì hải sản thường được vận chuyển bằng tủ đông lạnh từ nước ngoài.
Virus hiếm khi truyền từ cá sang người, ông Yang nói.
Tuy nhiên, hải sản có thể dính virus từ môi trường bên ngoài trong quá trình vận chuyển, đóng gói.
Chuyên gia khẳng định cá gần như không thể truyền virus sang người. Ảnh: Global Times
Jin Dongyan, giáo sư trường Khoa học Y sinh, thuộc Đại học Hồng Kông, cũng cho biết không có bằng chứng nào cho thấy virus có thể sao chép trên cá, điều đó có nghĩa là khả năng cá hồi mang virus là rất nhỏ.
Dù vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, sau khi Bắc Kinh đóng cửa khoảng 6 chợ bán buôn lớn để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, trung tâm bán buôn nông sản ở Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) đã tuyên bố tạm dừng bán mặt hàng cá hồi từ thứ Bảy.
Một hiệp hội kinh doanh tỉnh Giang Tô cũng đưa ra đề xuất đình chỉ cung cấp hải sản tươi sống.