Đề xuất công nhận giáo sư phải có công trình nghiên cứu phục vụ trực tiếp sản xuất
Khi xét duyệt công nhận thầy cô đại học đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư nên yêu cầu phải có ít nhất một công trình nghiên cứu phục vụ trực tiếp sản xuất và đời sống trong nước mới được xét duyệt phong chức danh.
Đây là ý kiến đề xuất của cử tri TPHCM gửi đến Bộ GD&ĐT, Hội đồng Giáo sư Nhà nước trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. (xem chi tiết)
Hà Nội thông tin về clip nữ sinh bị đánh hội đồng
Trước thông tin nữ sinh Trường THCS Minh Đức (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bị bạn đánh hội đồng lan truyền trên mạng xã hội, ngày 20/5, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội và UBND huyện Ứng Hòa làm rõ. (xem chi tiết)
Nữ sinh lớp 5 bị ép quỳ gối, cởi đồ: Mâu thuẫn chỉ vì đốt vở của bạn
Liên quan sự việc nữ sinh Trường Tiểu học Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị nhóm bạn cùng lớp yêu cầu cởi đồ và quay clip, ban giám hiệu trường đã nghiêm túc tự kiểm điểm và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm làm giải trình. (xem chi tiết)
Nữ giáo viên ở Đắk Lắk thừa nhận tát học sinh trong giờ kiểm tra
Một cô giáo dạy trường cấp 2 ở Đắk Lắk đã thừa nhận hành vi tát một học sinh trong giờ kiểm tra. Lý do vị này đưa ra là bức xúc khi học sinh sử dụng tài liệu. Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk cho biết đang làm báo cáo cho UBND TP Buôn Ma Thuột vụ cô giáo N.T.X. (giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, phường Tân An), tát học sinh trong giờ kiểm tra. (xem chi tiết)
Giáo viên có hành vi dùng thước gõ đầu học sinh lớp 1 bị điều chuyển làm công việc khác
Liên quan đến vụ việc nữ giáo viên trường PTDTBT TH Xuân Thượng (huyện Bảo Yên, Lào Cai) có hành vi dùng thước nhôm gõ vào đầu học sinh lớp 1, ngày 17/5, trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Trọng Thông, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết đã điều chuyển cô giáo sang làm công việc khác. (xem chi tiết)
Hà Nội nêu lý do dừng hỗ trợ học phí năm học 2023-2024
Sau khi thành phố công bố dự thảo học phí năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT Hà Nội tối 16/5 phát đi văn bản nêu rõ căn cứ đề xuất mức thu học phí và lý do thành phố dừng cấp bù kinh phí để hỗ trợ phụ huynh. Theo công văn này của Sở nêu rõ, mức thu học phí của Hà Nội được xây dựng theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ. (xem chi tiết)
Xôn xao thư ngỏ kêu gọi cựu học sinh đóng 15 triệu/lớp kỷ niệm thành lập trường
Mới đây, nhiều cựu học sinh Trường THPT Nông Cống I (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) nhận được thư ngỏ kêu gọi tập thể giáo viên, các thế hệ cựu học sinh, các bậc phụ huynh, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chung tay đóng góp, hỗ trợ nhà trường cho lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập.
Theo bảng kê các hạng mục công trình dự kiến thực hiện có tất cả 13 hạng mục, gồm: Lát gạch sân trước và sau nhà 3 tầng; lát gạch sân trung tâm; đá biểu trưng; sơn tòa nhà A; nhà B; nhà C; nhà D; sơn nhà đa năng, sơn tường rào; xây dựng phòng truyền thống; biên tập và in kỷ yếu; kinh phí tuyên truyền; kinh phí tổ chức Lễ, Hội.
Trong tổng số 13 hạng mục trên, có 5 hạng mục đề số tiền dự toán, gồm: Đá biểu trưng (200 triệu đồng); xây dựng phòng truyền thống (400 triệu đồng); biên tập và in kỷ yếu (1.000 cuốn - 200 triệu đồng); kinh phí tuyên truyền (270 triệu đồng) và kinh phí tổ chức Lễ, Hội (1,09 tỷ đồng).
Nhà trường đã ấn định “cào bằng” số tiền hàng chục triệu đồng đối với từng lớp theo năm học.
Cụ thể, đối với các lớp tốt nghiệp năm 2013 trở về sau, mức tối thiểu 10 triệu đồng/lớp; Các lớp tốt nghiệp trước năm 2013, mức tối thiểu là 15 triệu đồng/lớp.
Một số các cựu học sinh cho rằng, việc nhà trường có thư ngỏ là điều bình thường. Tuy nhiên, không nên ấn định theo kiểu “cào bằng” bởi chẳng khác gì bắt buộc, trong khi điều kiện các cựu học sinh là khác nhau.
Trước đó, Trường THPT Lê Văn Hưu (huyện Thiệu Hóa) cũng kêu gọi đóng góp hơn 2,6 tỷ đồng cho lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường.
Sau khi có thông tin phản ánh, Thanh tra Sở GD-ĐT Thanh Hóa kết luận việc kêu gọi xã hội hóa không cấm. Tuy nhiên, dự kiến tổng kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng, trong đó, một số hạng mục chưa thiết thực, còn gây lãng phí.