Ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham gia diễn đàn |
Ảnh hưởng của thế giới số đang ngày càng lấn át thế giới thực
Ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, bạo lực học đường và đó là câu chuyện mới và không mong muốn. Sau giãn cách do COVID-19, bạo lực học đường đang gia tăng trở lại. Các cuộc gọi về tổng đài số 111- tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em quốc gia cho thấy, số bạo lực xâm hại trẻ em đang tăng lên.
Theo ông Nam, năm 2022 tăng nhẹ với 2021. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu của năm 2023, bạo lực liên quan đến môi trường học đường chiếm 17% các cuộc xâm hại trẻ em, tăng gần 11% so với cùng kì năm trước.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó vụ trưởng Vụ Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên, Bộ GD&ĐT chia sẻ: "Điều em muốn nói" là diễn đàn rất hay và ý nghĩa; đồng thời đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn của báo Tiền Phong và các đơn vị phối hợp, đồng hành.
Với những nỗ lực của ngành Giáo dục và cán bộ, ngành liên quan, tình trạng bạo lực học đường đã và đang từng bước được kiềm chế, đẩy lùi. Theo số liệu thống kê tại Hội nghị đánh giá về công tác phòng, chống bạo lực học đường tổ chức năm 2022, vụ việc xảy ra trong năm học 2017-2018 và 2018-2019 cao nhất và giảm dần vào các năm gần đây. Số đối tượng tham gia cũng có chiều hướng giảm trong những năm trở lại đây. Năm 2021 – 2022 có tổng số 386 vụ/1.161 đối tượng liên quan. Số học sinh có nguy cơ liên quan đến bạo lực học đường là 935 học sinh do nhiều nguyên nhân.
Ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó vụ trưởng Vụ Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên, Bộ GD&ĐT |
Theo ông Nguyễn Xuân An Việt, tình trạng bạo lực học đường nói riêng, tình hình vi phạm pháp luật nói chung là hậu quả của những cá nhân chưa đạt về văn hóa, đạo đức, lối sống, kỹ năng,… trong cuộc sống. Ảnh hưởng của thế giới số đang ngày càng lấn át thế giới thực.
Để công tác phòng chống bạo lực học đường đạt kết quả tốt và bền vững, Phó vụ trưởng Vụ Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên, Bộ GD&ĐT cho rằng cần giải quyết gốc của vấn đề đó là tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường; thực hiện nghiêm túc thực chất ứng xử văn hóa trong trường học, giáo dục đạo đức, lối sống kỹ năng sống cho học sinh để ‘miễn nhiễm’ với bạo lực học đường nói riêng và các tệ nạn xã hội.
Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý giáo dục học sinh, phát huy vai trò của gia đình trong quản lý giáo dục học sinh. Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 -2030”.
Xin đừng im lặng
Tham gia diễn đàn "Điều em muốn nói", em Như Quỳnh, học sinh lớp 8Y trường THCS Hà Huy Tập chia sẻ câu chuyện rằng em từng chứng kiến nhiều vụ bạo lực đường, không chỉ trong đường mà còn ở ngoài trường.
Như Quỳnh cho biết, có lần người bạn của em đi qua với một nhóm anh chị. Nhóm anh chị muốn gây sự với bạn em. Nhóm này đã hẹn bạn em gặp và xử lý. Nhóm anh chị không muốn nói chuyện mà muốn giải quyết bằng bạo lực. Bạn có tâm sự với em là không biết làm thế nào. Bạn em đã cố gắng xin lỗi nhóm anh chị, dù bạn ấy không làm gì sai cả. Em là một người bạn nhưng cũng không biết làm cách nào để giúp đỡ bạn?
Sau khi nghe câu chuyện của em học sinh, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ, câu chuyện của em học sinh là một vấn nạn chung của bạo lực học đường. Có một quan ngại chung, nếu chúng ta càng im lặng, không chia sẻ thì bạo lực cô lập càng tiếp diễn và theo xu hướng càng nghiêm trọng. Các em cô đơn, không biết chia sẻ với ai, không được quan tâm, và cuối cùng các em đã tìm đến giải pháp tiêu cực nhất đó là chọn cách tự tử. Đó là trường hợp đáng tiếc, câu chuyện buồn.
Theo ông Đặng Hoa Nam, các em chứng kiến bạo lực, nghe được bạn bè chia sẻ hãy lên tiếng, chia sẻ với cơ quan, tổ chức, người mà các em tin tưởng nhất. Xung quanh các em không đơn độc, có rất nhiều người sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ. Vậy nên “Hãy chia sẻ, hãy lên tiếng, đừng im lặng”, ông Nam chia sẻ thông điệp.
Ông Hoa Nam cũng cho rằng, cùng với bạo lực trong trường học, bạo lực gia đình đang diễn biến rất phức tạp. Nguy cơ bạo lực với trẻ em đến từ chính những người gần gũi nhất với các em nên việc giải quyết bạo lực học đường và bạo lực gia đình rất là khó phát hiện, giải quyết, xử lý, tuy rất phổ biến. Chính vì vậy, bắt buộc chúng ta phải giúp đỡ học sinh của mình để giảm những tổn hại cho các em, giúp các em vượt qua những bạo lực đó.
Không chỉ giáo viên mà học sinh trước hết có trách nhiệm bảo mật thông tin cho học sinh của mình. Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định rất rõ trách nhiệm các bên liên quan, đặc biệt là nhà trường, giáo viên, các cơ quan chức năng trước hết phải bảo mật thông tin, sau đó là kết nối với đơn vị tư vấn, chính quyền, cơ quan bảo vệ trẻ em cũng có thể trợ giúp cho học sinh đó. Nếu chỉ là giáo viên, nhà trường thì rất khó có thể giúp học sinh chia sẻ, giúp các em vượt qua được những khó khăn, vấn đề bạo lực đó.
Tại một số trường, có giáo viên, chuyên gia tâm lý học đường, các em nếu gặp phải vấn đề này cần chia sẻ với những người này để tìm được lời khuyên cần thiết. Chúng tôi cũng xin trở lại với địa chỉ Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 để chia sẻ thông tin kịp thời. Có thể giúp giáo viên, nhà trường kết nối cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền, chuyên gia tìm phương án phù hợp nhất.
“Tôi nghĩ rằng việc giải quyết vấn nạn bạo lực học đường và bạo lực gia đình rất gian nan, cần có thời gian và mong rằng làm sao đó tránh vô tình làm tổn hại tới các em một lần nữa”- ông Nam nhấn mạnh.