PAK FA T-50
Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin nắm quyền điều hành đất nước, nền kinh tế Nga đã phát triển mạnh mẽ. Nó góp phần giúp hồi sinh nền công nghiệp quốc phòng nước này sau nhiều năm trì trệ.
Để phục vụ kế hoạch tái trang bị lực lượng vũ trang quy mô lớn của Tổng thống Putin, công nghiệp quốc phòng Nga đã phát triển nhiều dự án vũ khí mới, nổi bật trong đó là chương trình tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50.
Theo National Interest, T-50 là dự án phát triển máy bay lớn nhất thời hậu Xô Viết. Nhà phân tích quân sự Dave Majumdar nhận định, T-50 được thiết kế để hoạt động ở độ cao lớn, tốc độ siêu âm và cơ động tương tự F-22 Raptor của Mỹ.
Tiêm kích tàng hình này được trang bị hệ thống cảm biến và vũ khí tiên tiến. Trong tương lai, chiến đấu cơ sẽ thay thế vai trò của tiêm kích đánh chặn Su-27 Flanker và các phiên bản của nó trong biên chế Không quân Nga. Tuy nhiên, T-50 có chi phí khá cao nên Nga đã giảm số lượng mua vì khó khăn kinh tế do các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến sự kiện Ukraine.
Máy bay ném bom PAK DA
Phòng thiết kế Tupolev đang bắt tay phát triển máy bay ném bom chiến lược tàng hình PAK DA. Hiện tại, người ta không có nhiều thông tin về dự án phi cơ này. Nhưng một số nguồn tin cho biết, PAK DA được thiết kế với tốc độ cận âm, tính năng tàng hình và có khả năng phóng tên lửa hành trình siêu thanh.
Đồ họa mô hình phi cơ ném bom chiến lược tàng hình PAK DA. Ảnh: Theaviationist.
Máy bay ném bom mới sẽ được đưa vào hoạt động trong Không quân Nga từ năm 2020. Tuy nhiên, theo Jane’s Defence Weekly, quá trình phát triển phi cơ mới sẽ hoãn đến năm 2023, thay vào đó, Nga sẽ sản xuất thêm máy bay ném bom chiến lược Tu-160.
Chương trình PAK DA có thể bị chậm tiến độ, nhưng Moscow vẫn cần một máy bay ném bom chiến lược có khả năng tàng hình để đáp ứng các thách thức an ninh mới.
Siêu tăng T-14 Armata
Dự án khung gầm hạng nặng thống nhất Armata sẽ là nòng cốt cho lực lượng tăng – thiết giáp của Nga trong thời gian tới. Armata được thiết kế làm khung gầm tiêu chuẩn cho xe tăng chiến đấu chủ lực T-14, xe chiến đấu bộ binh T-15, pháo tự hành và một số phương tiện khác.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata trong lễ diễu binh ngày 9/5. Ảnh: Sputnik.
Trong lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức ngày 9/5, Nga đã giới thiệu mẫu thử nghiệm siêu tăng T-14 và xe chiến đấu bộ binh T-15. Các mẫu xe mới đều sử dụng tháp pháo điều khiển từ xa hiện đại cùng giáp bảo vệ thế hệ mới.
Giới phân tích quân sự phương Tây nhận định, Moscow đã tạo ra bước đột phá trong thiết kế phương tiện chiến đấu bọc thép.
Hệ thống tác chiến điện tử
Nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng, công nghệ điện tử của Nga đang tụt hậu so với phương Tây. Tuy nhiên, ông Majumdar cho rằng, hệ thống tác chiến điện tử (EW) của Nga không thua kém, thậm chí còn vượt trội so với NATO.
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 trưng bày tại một cuộc triển lãm trong năm 2014. Ảnh: Wikipedia.
Các hệ thống tác chiến điện tử như Krasukha-4 lắp trên xe tự hành hay pod gây nhiễu Khibiny lắp trên máy bay từng khiến quân đội Mỹ bất lực. Ngày 10/4/2014, một cường kích Su-24 của Nga không mang theo vũ khí đã sử dụng hệ thống EW Khibiny làm “mù” hệ thống radar Aegis tàu khu USS Donald Cook (DDG-75) của Mỹ trên Biển Đen.
Những hệ thống EW của Nga sẽ ngày càng được nâng cao hiệu suất chiến đấu và đó là mối đe dọa lớn đối với Mỹ hiện tại cũng như tương lai.
Tàu ngầm hạt nhân
Công nghiệp đóng tàu Nga từ lâu đã có truyền thống sản xuất những tàu ngầm tuyệt vời. Hai loại tàu ngầm mới nhất của Nga là Borei và Yasen là những thiết kế có sẵn từ thời Liên Xô, nhưng chúng là những cỗ máy chiến tranh dưới nước rất đáng sợ.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei của Nga. Ảnh: Military-today.
Không chỉ thừa hưởng công nghệ sẵn có, Nga cũng đang bắt tay phát triển tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới. Theo The Moscow Times, Moscow đã lên kế hoạch phát triển hai loại tàu ngầm tấn công hạt nhân mới thay thế cho lớp Oscar và Sierra.
Tàu mới thay thế cho lớp Oscar sẽ là “sát thủ diệt tàu sân bay” Mỹ trong khi đó loại thay cho Sierra sẽ làm nhiệm vụ đánh chặn tàu ngầm đối phương bảo vệ cho hạm đội tàu chiến Nga. Những vũ khí thế hệ mới khi được đưa vào hoạt động đầy đủ sẽ giúp Nga khôi phục vị thế siêu cường quân sự của Liên Xô trước đây, ông Majumdar kết luận.