Áo tàng hình
Từ lâu, các nhà khoa học đã bắt tay vào việc tạo ra các loại vật liệu có khả năng chuyển hướng các bước sóng đặc biệt của ánh sáng nhằm mục đích tàng hình. Trong quân đội, loại vật liệu này được dùng để chế tạo nên áo khoác tàng hình giúp cho các chiến binh hoạt động trong địa phận của đối phương mà không bị phát hiện hoặc ít ra là kéo dài thời gian để giành thế chủ động.
Áo tàng hình sẽ giúp binh lính không bị phát hiện khi hoạt động trong vùng kiểm soát của đối phương. Nguồn: defence.ru
Công nghệ tàng hình sẽ góp phần làm giảm nguy cơ thương vong cho binh lính trong các chiến dịch quân sự, đồng thời gia tăng khả năng tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ vào căn cứ của kẻ thù. Tất nhiên, công nghệ này sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm nếu bị lọt vào tay các nhóm khủng bố.
Pháo ray điện từ
Pháo ray điện từ sử dụng từ trường chứ không phải vật liệu cháy nổ để đẩy đầu đạn đạn đi xa với vận tốc 4.500- 5.600 dặm/giờ. Tốc độ cao và tầm bắn xa của pháo điện từ mang lại một số ưu thế cả trong nhiệm vụ tấn công và phòng thủ, từ tấn công chính xác các hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất cho đến việc chống lại các mục tiêu đang bay đến. Một lợi thế khác của công nghệ này là không còn phải dùng các loại chất nổ nguy hiểm và các vật liệu dễ cháy khác để phóng các loại đạn thông thường.
Mô hình pháo ray điện từ được phát triển cho Hải quân Mỹ. Nguồn: U.S. Navy
Hệ thống pháo ray điện từ đã được Cục Nghiên cứu Hải quân Mỹ phát triển từ năm 2005. Trung Quốc cũng được cho là đang chế tạo loại pháo này với phiên bản riêng của mình. Những hình ảnh vệ tinh chụp năm 2010 cho thấy các cuộc thử nghiệm đã được tiến hành tại một đơn vị pháo binh ở khu tự trị Nội Mông.
Vũ khí không gian
Nhà phân tích J. Michael Cole gọi khả năng triển khai vũ khí trong không gian là không giới hạn. Nhiều công nghệ do các nước lớn phát triển sẽ mãi mãi chỉ tồn tại trong các cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nhưng cũng có một số công nghệ có thể thành hiện thực.
Một trong số các công nghệ phát triển vũ khí không gian là trang bị cho các tàu vũ trụ vũ khí xung điện từ (EMP) hạt nhân hoặc phi hạt nhân. Cuộc tấn công được tiến hành từ các vệ tinh như vậy sẽ nhằm vào mạng lưới điện, trung tâm chỉ huy, hệ thống điều khiển, truyền thông, giám sát và trinh sát vốn rất cần thiết cho các hoạt động quân sự của đối phương.
Hình ảnh mô phỏng một vụ tấn công bằng vũ khí không gian. Nguồn: rusvesna .ru
Tùy thuộc vào kích cỡ của loại vũ khí EMP được sử dụng, cuộc tấn công có thể làm tê liệt cả một quốc gia, thậm chí là cả một khu vực. Về mặt lý thuyết, gần như không thể đối phó và ngăn chặn một cuộc tấn công như vậy.
Một công nghệ khác rất được các nhà phát triển quân sự quan tâm là vũ khí laser không gian năng lượng cao. Loại vũ khí này được sử dụng để đánh chặn tên lửa đạn đạo của đối phương tại thời điểm phóng.
Tên lửa siêu thanh
Tên lửa hành trình có tác động đặc biệt đối với chiến tranh hiện đại. Tuy nhiên, trong thời đại mà kết quả của một trận chiến được quyết định chỉ trong một vài phút thì loại vũ khí này bắt đầu trở nên lỗi thời. Năm 1998, các tên lửa hành trình được phóng từ tàu Mỹ ở vùng biển Arab phải mất 80 phút mới tiếp cận được cơ sở của chiến binh tại Afghanistan. Trong khi đó, tên lửa siêu thanh với tốc độ Mach 5+ chỉ mất 12 phút để thực hiện nhiệm vụ tương tự như vậy .
Hình ảnh mô phỏng tên lửa Zircon. Nguồn: popmech.ru
Mong muốn có thể tấn công bất cứ nơi nào một cách nhanh chóng đã dẫn đến sự ra đời của chương trình mang tên “Đòn tấn công nhanh toàn cầu” (Prompr Global Strike) của Quân đội Mỹ vào năm 2001. Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã đạt được những thành tựu lớn trong việc phát triển tên lửa siêu thanh.
Máy bay không người lái
Chuyên gia J. Michael Cole đã gọi sự xuất hiện của các phương tiện không người lái (UAV) là sự kiện quan trọng nhất của ngành công nghiệp quốc phòng trong thập kỷ qua. Khi công nghệ này phát triển, UAV sẽ nhanh chóng đảm nhận các nhiệm vụ vốn thường do con người thực hiện. Sự trỗi dậy của công nghệ này đã khiến một số nhà bình luận cho rằng, UAV một ngày nào đó sẽ khiến các phi công trở nên lỗi thời.
UAV RQ-4A Global Hawk của Mỹ. Nguồn: CNN
Nhưng các phương tiện không người lái hiện nay, từ các máy bay mang bom cho đến các tàu ngầm mini dưới mặt biển, từ các trực thăng giám sát trên tàu chiến cho đến các máy bay không người lái sát thủ từ trên cao phần lớn vẫn cần sự can thiệp của con người. Hầu hết các phương tiện này không chỉ được điều khiển từ xa bởi con người mà còn phải chịu sự giám sát của con người trong một số nhiệm vụ quan trọng, chẳng hạn như phát hiện mục tiêu và quyết định phóng tên lửa vào mục tiêu đó.
Điều này có thể sớm thay đổi khi các nhà khoa học tích hợp cho UAV công nghệ trí tuệ nhân tạo khiến chúng có thể hoạt động độc lập và có thể tự ra các quyết định có ý nghĩa sinh tử vào một ngày nào đó. Những tiến bộ trong khả năng tính toán sẽ mang lại cho UAV khả năng nhận thức tình huống và khả năng thích ứng cao hơn.