Điểm danh 5 tàu ngầm 'chết yểu' trong khi thử nghiệm

Dù là cỗ máy đơn sơ hay tinh vi thì 5 chiếc tàu ngầm dưới đây đều có một điểm chung đó là vùi xác ở đáy đại dương ngay trong quá trình thử nghiệm.

Resurgam - tàu ngầm hơi nước đầu tiên của Anh 

Được hãng Cochran &Co ở Birkenhead chế tạo vào năm 1879 theo mẫu thiết kế của mục sư George Garrett, Resurgam được kỳ vọng có thể lặn dưới nước và xuyên thủng những tàu chiến có thân bọc thép. Tàu Resurgam nặng 30 tấn, bên ngoài bọc sắt cứng và làm bằng gỗ ở bên trong. Với kích thước khá nhỏ (chỉ có dài 14 m và đường kính 3 m), Resurgam chỉ có thể chở được 3 người vận hành. Được trang bị động cơ hơi nước khép kín - một sáng chế của Eugene Lamm năm 1872, con tàu có thể hoạt động trong 4 giờ liên tục khi có sẵn một lượng hơi nước dự trữ. 

Sau lần chạy thử thành công ở thị trấn Wallasey, Resurgam được đưa đến thành phố cảng Portsmouth theo yêu cầu của Hải quân Hoàng gia Anh. Do sai sót trong quá trình vận chuyển, dây kéo bị đứt khiến chiếc tàu ngầm hơi nước đầu tiên của Anh chìm ngoài vịnh Liverpool vào ngày 25/2/1880. 

Sau đó, mục sư Garrett kết hợp với kỹ sư người Thụy Điển Thorsten Nordenfeldt, tiếp tục chế tạo thế hệ tàu ngầm hơi nước mới vào những năm 1880. Khi vừa mới ra mắt, tàu ngầm Nordenfeldts nhận được khá nhiều hợp đồng đặt mua từ các nước như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Tuy nhiên, Nordenfeldts không được đánh giá cao do còn nhiều thiếu sót về khả năng giữ thăng bằng trong nước, động cơ đẩy cũng như tốc độ lặn. 

Điểm danh 5 tàu ngầm 'chết yểu' trong khi thử nghiệm ảnh 1

Tàu ngầm U - 1206 thất bại vì sự cố hi hữu từ nhà vệ sinh quá xịn.

U - 1206 bị chìm vì nhà vệ sinh quá xịn

Năm 1945, tàu ngầm U - 1206 của quân đội Đức rời cảng Scotland để thực hiện nhiệm vụ tuần tra đầu tiên thì bị chìm do sự cố nhà vệ sinh. Không giống như tàu ngầm của Mỹ và Anh, nhà vệ sinh thông thường của tàu Đức xả thải thẳng ra biển thay vì giữ lại trong thùng chứa để tiết kiệm diện tích. Tuy nhiên, loại nhà vệ sinh này không thể sử dụng khi tàu đang lặn, bởi áp lực nước bên ngoài quá lớn sẽ đẩy ngược chất thải vào bên trong. Khác với các tàu trong hạm đội, U - 1206 được cải tiến với nhà vệ sinh áp suất cao cho phép tàu xả thải mà không cần nổi lên mặt nước hay tiến sát vào bờ, tránh trường hợp bị máy bay của quân địch phát hiện. Mặc dù vậy, hệ thống này phức tạp đến mức chỉ có một vài thủy thủ trong đoàn được huấn luyện để sử dụng nó. Họ được gọi là các “chuyên gia bể phốt”. 

Thuyền trưởng U - 1206 Karl Schlitt không phải là một “chuyên gia bể phốt”, nhưng trong một lần sử dụng nhà vệ sinh, ông chủ quan không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tự mình vận hành và gây ra sự cố. Nước biển tràn vào khoang tàu qua ống xả, phản ứng với chất axít trong pin phát điện và tạo ra khí chlorine cực độc. Không còn lựa chọn nào khác, Schlitt cho tàu nổi lên mặt nước, nhưng ngay lập lức bị máy bay của quân đội Anh tấn công. Có rất nhiều lời đồn xung quanh việc các sĩ quan trên tàu nhìn thấy trước kết cục thất bại của quân đội Đức trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II nên đã bịa ra câu chuyện nhà vệ sinh để có cớ nổi lên mặt nước, đầu hàng và sống sót.

Điểm danh 5 tàu ngầm 'chết yểu' trong khi thử nghiệm ảnh 2

Tàu ngầm Intelligent Whale có hình dạng giống một chú cá voi được trưng bày tại bảo tàng Hải quân Hoa Kỳ.

Chú cá voi thông minh

Intelligent Whale (tạm dịch là chú cá voi thông minh) là một phát minh ra đời trong cuộc Nội chiến Mỹ, được nhà sáng chế Oliver Halstead đến từ New Jersey thiết kế vào năm 1862. Năm 1863, Augustus Price and Cornelius Bushnell nhận hợp đồng sản xuất Intelligent Whale với giá 15.000 USD. Tuy nhiên, một năm sau đó, công ty tàu ngầm Mỹ đã thay thế Price và Bushnell tiếp quản việc đóng tàu với chi phí cao hơn 400% so với ban đầu. Những vụ kiện tụng xảy ra sau đó ngăn cản Intelligent Whale gia nhập lực lượng hải quân Mỹ cho đến năm 1870. 

Nhắc đến cái tên Intelligent Whale, nhiều người sẽ liên tưởng đến hệ thống máy móc tinh vi và phức tạp, song trên thực tế cơ chế hoạt động của tàu vô cùng đơn giản. Tàu sử dụng hai chiếc mỏ neo khổng lồ để lấy độ sâu và nổi lên mặt nước nhờ hệ thống quay tay. Tàu không di chuyển nhiều trong khi lặn mà chỉ đứng tạm thời một chỗ, chờ thợ lặn luồn ra ngoài và gắn mìn bên dưới tàu địch. Nhờ lượng khí nén đựng đầy trong hai bình lớn ở phía trước và sau tàu, các thủy thủ có thể lặn dưới nước trong vòng 10 giờ liên tiếp.

Hầu hết mọi người đều cho rằng trong lần thử nghiệm đầu tiên Intelligent Whale bị chìm và khiến toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng. Song theo tác giả của cuốn The Story of the Submarine (1916) Farnham Bishop, lời đồn về Intelligent Whale đã bị phóng đại quá mức. Sự thật đúng là Intelligent Whale bị chìm do rò rỉ nước, nhưng may mắn không có ai bị chết. Sau lần thử nghiệm thất bại, Hải quân Mỹ đã từ chối trả tiền và hủy hợp đồng mua Intelligent Whale. 

“Cố đấm ăn xôi”

Từ một nhà chế tạo tàu lửa, kỹ sư người Anh John Day quay sang đóng tàu ngầm từ năm 1774. Theo đúng nghĩa “tàu ngầm”, tàu của John Day không hề trang bị động cơ đẩy. Làm thế nào tàu nổi lên mặt nước? Câu trả lời nằm ở khối đá lớn treo phía bên ngoài tàu. Đá nặng giúp tàu lấy được độ sâu trong khi lặn, đồng thời cho phép tàu nổi lên khi tách ra. Tuy không đẹp mắt nhưng tàu của Day hoạt động tốt ở vùng nước nông. 

Sau thành công ban đầu, Day tham vọng tạo ra một con tàu lớn hơn, có khả năng lặn sâu hơn ở độ sâu 30 m. Vì vậy, Day tìm đến con bạc Christopher Blake, người đồng ý góp vốn cho dự án đóng tàu của ông. Blake bày ra một vụ cá cược, theo đó, nếu tàu của Day có thể lặn trong vòng 12 giờ thì hắn sẽ thắng và trả cho Day 10% trên tổng số tiền thắng cược. 

Từ khoản đầu tư của Blake, Day dựng lên con tàu nặng 50 tấn lấy tên là Maria, hạ thủy vào tháng 6/1774. Trước sự chứng kiến của hàng trăm người, Day thoải mái định tận hưởng chuyến chu du dưới mặt nước với con cưng của mình. Maria được “kéo” thẳng xuống độ sâu gần 40 m, nhưng trước khi chạm vào đáy hồ nó đã bị áp lực nước nghiền nát. Từ đó, cả Maria và John Day mãi mãi không bao giờ trở lại. 

Chiếc quan tài bị nguyền rủa

Chiến tranh là yếu tố quan trọng thúc đẩy sáng chế, do đó vào thời điểm xảy ra cuộc Nội chiến Mỹ, ngành công nghiệp đóng tàu ngầm rất phát triển. Hunley cũng là một trong những chiếc tàu xấu số bị vùi xác xuống dưới đáy biển trong lần đầu thử nghiệm. Thậm chí nó còn được nhà sử học Edwyn Gray mô tả là chiếc tàu ngầm “bị nguyền rủa” đáng sợ nhất trong lịch sử. 

Được lấy theo tên của nhà phát minh Horace Hunley, tàu ngầm quân sự này được mệnh danh là “chiếc quan tài di động”, bởi chỉ trong vòng một năm (1863 - 1864), nó bị chìm tới 6 lần, làm chết tổng cộng 42 người bao gồm cả người thiết kế tàu. Nguyên nhân là do lỗi kỹ thuật, thời tiết xấu, sự cố va chạm và bị tấn công. Mặc dù vậy, Hunley vẫn được ghi vào sách lịch sử là chiến thuyền thành công đầu tiên trên thế giới sau khi đánh chìm tàu USS Housatonic tại cảng Charleston vào ngày 17/2/1864.

Theo Theo Báo Tin Tức
MỚI - NÓNG