Công chứng sai, chứng thực giả tràn lan:

Dịch vụ công chứng tạm dừng biến tướng sau quyết định thanh tra

Nhân viên Công ty TNHH dịch thuật chuyên nghiệp Toàn Cầu trả bản công chứng không cần bản gốc cho phóng viên
Nhân viên Công ty TNHH dịch thuật chuyên nghiệp Toàn Cầu trả bản công chứng không cần bản gốc cho phóng viên
TPO - Sau khi báo Tiền Phong phản ánh tình trạng “Công chứng sai, chứng thực giả tràn lan” (ngày 6/11), Sở Tư pháp Hà Nội đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất các văn phòng công chứng và bộ phận một cửa các phường có dấu hiệu sai phạm. Các dịch vụ công chứng không bản gốc, sai địa chỉ tạm thời dừng hoạt động.

Sau khi báo Tiền Phong đăng tải ngày 6/11, GĐ Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn họp, chỉ đạo xử lý. Đồng thời, Thanh tra sở Tư pháp Hà Nội đã làm việc với Ban Bạn đọc báo Tiền Phong về vấn đề trên. Căn cứ vào thông tin phản ánh và các tài liệu do Báo Tiền phong cung cấp, Sở Tư pháp đã ban hành Quyết định số 396, ngày 8/11/2018 về thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra. Nội dung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực công chứng, chứng thực đối với 5 văn phòng công chứng (Chu Cảnh Hưng, Trịnh Như Tố, Dương Hương, Lê Xuân, Trương Thị Nga) và 3 UBND phường thuộc quận Hà Đông (Phú La, Phú Lãm, Yết Kiêu).

Thời hạn thanh tra là 30 ngày. Thành phần Đoàn thanh tra gồm có: Bà Tống Thị Thanh Nam – Phó Giám đốc Sở Tư pháp (Trưởng đoàn) và 13 thành viên của sở Tư pháp Hà Nội, cùng công chức Phòng Tư pháp quận Hà Đông, Thanh tra quận Hà Đông.

Quyết định thanh tra này chưa phản ánh hết đề nghị của đại diện Báo Tiền phong. Trước đó, tại buổi làm việc với Chánh Thanh tra Sở Tư pháp Hà Nội, đại diện Ban Bạn đọc – Báo Tiền Phong đề nghị Sở Tư pháp thanh tra diện rộng, xử lý dứt điểm các vấn nạn này, bởi vì: Các văn phòng vi phạm tràn lan, công khai quảng bá trên internet và báo mới chỉ phản ánh một phần.

Sau hơn nửa tháng đăng tải tuyến bài, phóng viên trở lại những địa điểm công chứng sai địa bàn mà Tiền Phong phản ánh nhận thấy: Không có sự thay đổi về biển bảng ở phía ngoài. Các văn phòng này không có chức năng công chứng, hay nằm trong danh sách quản lý của Sở Tư pháp Hà Nội nhưng quảng cáo trên biển bản các văn phòng đều có nội dung có thể công chứng giấy tờ, văn bằng nhanh chóng, thuận tiện.

Tuy nhiên, các văn phòng này không còn công khai nhận công chứng như trước. Tại Văn phòng luật sư Thiên Dương - Dịch vụ công chứng, Văn phòng dịch thuật tại số 103 ngõ Núi Trúc (Ba Đình), hay Thành Đạt translation - Dịch Thuật - Phiên Dịch số 267 Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy) đã từ chối khi được yêu cầu công chứng chứng minh thư nhân dân và bằng lái xe gắn máy. 

Trên internet, trang Website của Công ty TNHH dịch thuật chuyên nghiệp Toàn Cầu (ở số 933 đường Đê La Thành, thuộc phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) đã hoàn toàn biến mất, không còn các hoạt động quảng cáo chứng thực, công chứng không cần bản gốc công khai trên mạng như trước đây.

Về chứng thực tại xã phường, UBND phường Phú La (Quận Hà Đông) cũng có công phúc đáp  bài viết: “Né biên lai, trục lợi?” (đăng tải ngày 8/11). Theo đó, UBND phường này thừa nhận cán bộ một cửa còn thiếu sót, thực hiện chưa đúng quy định trong chứng thực công chứng. Lãnh đạo phường Phú La đã chấn chỉnh cán bộ phường phải thực hiện đúng quy định và trả biên lai cho từng công dân, tổ chức đến giao dịch.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.