Dịch virus corona: Điều gì sẽ xảy ra khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp?

Ảnh minh hoạ: Reuters
Ảnh minh hoạ: Reuters
TPO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua, 30/1, tuyên bố dịch viêm đường hô hấp do virus corona tại Trung Quốc là “tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu” (PHEIC).

Trước đó, WHO lần đầu tiên giới thiệu khái niệm PHEIC như một phần của “Quy định sức khoẻ quốc tế năm 2005”, sau đại dịch Sars năm 2003.

Sars được WHO công nhận là “mối đe doạ toàn cầu” vào giữa tháng 3/2003. Loại virus này đã lây nhiêm cho khoảng 8.000 người, khiến 774 người thiệt mạng trong 7 tháng.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, người đứng đầu WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi virus corona là “một mầm bệnh chưa được biết đến trước đó, đã phát triển thành một ổ dịch chưa từng thấy”.

Đáng chú ý, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng không đưa ra khuyến nghị hạn chế đi lại và giao thương với Trung Quốc.

Tổng giám đốc Ghebreyesus nhấn mạnh tuyên bố này “không phải một cuộc bỏ phiếu mất tín nhiệm nhằm vào Trung Quốc”. Tuy nhiên, “dịch bệnh đã khiến nhiều quốc gia khác lo ngại, đặc biệt là những nơi có hệ thống chăm sóc y tế kém phát triển hơn”.

Điều gì sẽ xảy ra?

Theo Straitstimes, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn và giảm sự lây lan xuyên biên giới của virus corona.

Nhờ đó, WHO có thể thúc đẩy chính phủ các nước, cũng như các tổ chức trên toàn cầu có các biện thích hợp để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.

WHO không có thẩm quyền pháp lý để xử phạt các quốc gia. Nhưng cơ quan này có thể yêu cầu chính phủ các nước đưa ra lời giải thích cho bất cứ lệnh hạn chế đi lại hoặc hạn chế thương mại nào mà họ đưa ra trong trường hợp khẩn cấp quốc tế.

Ngoài ra, WHO cũng có thể thực hiện “các biện pháp không ràng buộc nhưng có tác dụng thực tế, nhằm điều chỉnh việc đi lại, buôn bán, kiểm dịch, sàng lọc, điều trị”; hoặc thiết lập các tiêu chuẩn thực hành toàn cầu.

PHEIC có ý nghĩa gì với cộng đồng quốc tế?

Theo thông báo mới nhất, WHO không hạn chế việc đi lại và giao thương với Trung Quốc.

Với PHEIC, các quốc gia được khuyến khích đẩy nhanh việc phát triển vaccine phòng bệnh và các phương pháp điều trị, cũng như ngăn chặn sự lan truyền của các tin đồn và thông tin sai lệch.

Các quốc gia nên chia sẻ thông tin với WHO và các nước bị ảnh hưởng khác để “phối hợp trên tinh thần đoàn kết”. Đồng thời tài trợ nhân lực và các nguồn lực khác cho những khu vực cần thiết; và khuyến cáo người dân tuân theo các khuyến nghị về sức khoẻ.

Thời điểm ban bố tình trạng khẩn cấp

Trong quá khứ, WHO từng bị chỉ trích vì đưa ra cảnh báo quá sớm, hoặc quá muộn.

Dịch bệnh hô hấp gần nhất buộc WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp là đại dịch cúm năm 2009. Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình dịch bệnh lại tương đối nhẹ.

Trong hơn một thập kỉ qua, WHO mới chỉ ban bố PHEIC tổng cộng 5 lần, bao gồm: dịch cúm H1N1 năm 2009, dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014, dịch bại liệt năm 2014, dịch Zika năm 2016, và dịch Ebola hiện vẫn đang hoành hành tại CH Dân chủ Congo.

Theo Theo Straitstimes
MỚI - NÓNG