'Dịch' tin giả thời corona

TP - Sự lan truyền nhanh chóng của dịch n-CoV (Corona) khiến cuộc sống của người dân bị đặt vào tình thế phòng bị khắp nơi. Trạng thái này những ngày gần đây càng bị đẩy đến mức “nước sôi lửa bỏng” vì những tin đồn thất thiệt liên tục xuất hiện, trong đó rất nhiều tin đồn xuất phát từ những KOL (người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội).

Đại dịch – miếng mồi ngon của tin fake (tin giả)

Ngay sau khi tin Corona trở thành đại dịch, gần như có hẳn một chiến dịch tin fake bùng phát trên mạng xã hội. Những thông tin “dịch đến Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, TP.Hồ Chí Minh...” và cả số lượng người mới nhập viện, thậm chí số lượng người chết liên tục được tung ra làm hoang mang dư luận. Bởi vì thông tin liên quan đến sức khỏe và cuộc sống thường nhật, lượng người theo dõi lẫn chia sẻ đều cao đột biến. Một tin giả về số lượng người mắc Corona và tốc độ lan rộng của dịch bệnh chỉ sau 4 tiếng đồng hồ đã có tới 1,2 triệu lượt like và share.

Đáng nói, trong số đội quân tạo tin giả đông đảo này, có cả những người nổi tiếng.

Sáng ngày 31/1, diễn viên Ngô Thanh Vân đã chia sẻ trên trang cá nhân "...vẫn còn những chuyến bay từ TP Vũ Hán (Trung Quốc) về Việt Nam ngay giữa dịch virus Corona đang tràn lan...". Ngay sau đó, thông tin này được chứng thực sai lệch bởi cục Hàng không Việt Nam đã dừng cấp phép cho các chuyến bay từ Vũ Hán đến Việt Nam và ngược lại từ ngày 26/1.

Trước đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đưa thông tin 2 người Trung Quốc nhiễm virus Corona đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy đã tử vong. Trong khi thực tế 2 bệnh nhân đó một người đã khoẻ lại, kết quả xét nghiệm đã âm tính với virus Corona, người kia thì vẫn đang điều trị và có nhiều tiến triển tốt.

Diễn viên Cát Phượng “tỏ ra nguy hiểm” hơn khi tung status: “...Dịch bệnh đã đến quận 1, rồi sẽ lan tràn đến quận 3, quận 5, quận 7...”. 

Rất nhanh sau đó, cả Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân và Cát Phượng đã bị Sở TT&TT TPHCM mời lên làm việc do những phát ngôn sai lệnh trên trang cá nhân liên quan đến dịch bệnh lây lan do virus Corona.

Một đội ngũ không kém hùng hậu khác cũng liên tục phải lên đồn giải trình vì tung tin thất thiệt.

Trong số rất nhiều chủ tài khoản tung tin fake đã bị xử lý, đa phần họ khai do “háo like”, một số khác là “đưa tin mù quáng”, “share không kiểm chứng”.

Mặc dù sau đó Ngô Thanh Vân đã đăng tin cải chính và xin lỗi khán giả nhưng vẫn không thể tránh được màn phẫn nộ tập thể. Nhiều người hâm mộ đã lên tiếng chỉ trích “Hai Phượng” cầm đèn chạy trước ô tô và yêu cầu diễn viên “trước khi phát ngôn điều gì hãy cân nhắc mình là người của công chúng"… 

Cuộc chiến khẩu trang và nước rửa tay khô

Những thông tin về dịch Corona được cư dân mạng thổi lên quá đà đã tạo ra một cơn hoảng loạn diện rộng. Dễ thấy nhất là khẩu trang và nước rửa tay khô (hai sản phẩm được bác sĩ khuyên dùng trong việc chống dịch) trở nên cháy hàng và bị bán với giá “chợ đen”.

Sáng 31/1, chúng tôi đi khắp gần 20 nhà thuốc quanh quận Hoàn Kiếm để tìm mua khẩu trang nhưng đến đâu cũng nhận một cái lắc đầu: hết rồi! Cá biệt, ở những nhà thuốc lớn như Minh Chính, Trường Thọ... có hẳn một nhân viên đứng ở cửa thông báo ngay khi khách vừa đỗ xe: đã hết khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn.

Sau khi một số bác sĩ khuyên người dân có thể dùng cồn 70 độ để rửa tay, thì mặt hàng này cũng lập tức được liệt vào hàng khan hiếm.

Đến sáng ngày 1/2, giá chung một bịch khẩu trang y tế loại 50 chiếc là 300.000 đồng mà vẫn không đủ bán. Hy hữu hơn, ngay cả trên trang bán hàng trực tuyến lớn như Amazon, mặt hàng này cũng đồng loạt khan hiếm.

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu kể rằng, chị đặt hàng khẩu trang N95 trên Amazon (loại khẩu trang được cho là phòng được hầu hết các loại vi khuẩn và bụi mịn) thì được phản hồi là mặt hàng này chỉ có thể được giao trong vòng 20 ngày từ giữa tháng Ba đến đầu tháng Tư. Không còn cách nào khác, chị phải đặt hàng một hãng khẩu trang “đàn em” của N95 thế nhưng giá cũng bị đội lên chóng mặt, 99usd cho 10 chiếc khẩu trang mà bình thường chỉ có giá 20-30usd.

'Dịch' tin giả thời corona ảnh 1 Điều kiện sản xuất thiếu an toàn của một cơ sở sản xuất khẩu trang y tế

Trước đó, mặc dù Cục quản lý thị trường đã ra thông báo phạt nặng những cửa hàng bán khẩu trang đội giá nhưng người dân không đợi được sự bình ổn này, rất nhiều người vẫn chấp nhận mua khẩu trang với giá cắt cổ.

Song song với khẩu trang, các mặt hàng phụ trợ chống dịch khác như C sủi (để làm tăng đề kháng), bồ kết (được lan truyền là có thể diệt khuẩn), nước muối Natri Clorid 0,9% (để súc họng, nhỏ mắt, mũi), vitamin tổng hợp... cũng đồng loạt tăng giá.

Một bài viết không hề có căn cứ cho rằng cứ đốt bồ kết xông nhà thì “khuẩn nào cũng chết” thế nhưng đạt được số lượng tương tác khổng lồ: 5,7k like và 980 lượt share. Thông tin này sau đó được một số bác sĩ khẳng định là “nhảm”, “không căn cứ” thì cũng không thể nào dập tắt được cơn sốt mua bán bồ kết trong cộng đồng các mẹ bỉm sữa.

Đáng nói hơn, một bộ phận theo đuổi lối “chữa bệnh thực dưỡng” phao tin rằng, để phòng và chữa Corona chỉ cần uống nước tiểu vào buổi sáng và ăn theo chế độ thực dưỡng. Không ít người nghe theo lời khuyên này và báo cáo tiến độ hàng ngày trên trang cá nhân của “Cốc chủ” lối chữa bệnh Niệu niệu pháp.

Các bác sĩ vào cuộc

Để đối phó với dịch bệnh, Bộ Y Tế đã đưa ra những cảnh báo và khuyến cáo hàng ngày để hướng dẫn người dân phòng, chống dịch. Tuy nhiên, rất nhiều luồng tin trái chiều của các KOL cho rằng, Bộ đang cố tình ém thông tin về số người chết và diện lây lan của Corona, đồng thời họ đưa ra 1001 lời khuyên để người dân “tự cứu mình”. Để tránh những thông tin hỗn loạn trên facebook, một số bác sĩ có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã trực tiếp vào cuộc.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng (Bệnh viện Bạch Mai) đã đứng ra kêu gọi đồng nghiệp tích cực lên tiếng để chống lại tin giả trên mạng xã hội. Đồng thời anh Hùng yêu cầu hơn 100 ngàn người theo dõi trang cá nhân của mình nếu thấy tin thất thiệt hoặc cần kiểm chứng, có thể chủ động lên tiếng hoặc gửi đến bác sĩ nhờ xác minh.

Nhờ động thái này, sau đó, rất nhiều tin giả đã được dập tắt nhanh chóng.

'Dịch' tin giả thời corona ảnh 2 Nhà thuốc thông báo khách “cân nhắc trước khi mua” giá khẩu trang trên trời

Ví dụ, ngày 31/1, một tin giả cho rằng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã có một ca dương tính với virus Corona, thì sau đó đã được bác sĩ Tạ Huy Kiên công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xác nhận: “Hiện tại, có thông tin không chính xác về việc tại BV Tỉnh Hòa Bình có tiếp nhận 01 bệnh nhân dương tính với 2019-nCov. Xin thông báo hiện tại chưa có bệnh nhân nào”. 

Hoặc như, ngày 30/1, một tài khoản có lượng tương tác lớn đăng tin hướng dẫn cách xông bồ kết, xịt nước sả chanh vào tay để diệt khuẩn (nhân tiện bán nước xịt sả chanh) cũng đã được bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Viện vệ sinh dịch tễ) bác bỏ thông tin.

Những tin giả khác như “người già, trẻ em, người từng bị bệnh sau khi bị lây Corona chỉ 3 ngày là chết”... cũng đều được nhiều bác sĩ chứng thực là... tin vịt.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng chia sẻ: “Hiện nay, người nhiễm Corona tử vong hầu hết là người cao tuổi có nhiều bệnh lý kết hợp. Họ chết do bội nhiễm vi khuẩn và nấm. Ở Việt Nam, các case nhiễm toàn người trẻ tuổi, triệu chứng chủ yếu là sốt nhẹ, triệu chứng khác kèm theo chỉ thoáng qua. Chưa có trường hợp nào nặng. Họ đang hồi phục rất tốt”. 

Anh cũng khẳng định: “Tôi và các đồng nghiệp đã sẵn sàng chiến đấu với mặt trận tin giả. Bạn nào thấy thông tin trên mạng xã hội cần kiểm chứng, hãy chụp màn hình lại và gửi cho các bác sĩ, hoặc là tôi, để có câu trả lời chính xác nhất.

Tôi kêu gọi các đồng nghiệp của mình trên toàn quốc hãy chung tay chống lại tin giả. Đưa ngay thông tin tại địa phương mình nếu có tin đồn thất thiệt. Tag tôi vào đó. Tôi không ngại việc bị tấn công và chửi bới của 1 số thành phần bất nhân, những kẻ lợi dụng sự hoang mang để làm điều xấu”. 

Không nên quá căng thẳng vì khẩu trang và nước rửa tay khô

“Cái khẩu trang không phải là yếu tố quyết định việc phòng chống lây nhiễm mà chỉ là công cụ hỗ trợ mà thôi. Nó có tác dụng giảm phát tán virus ở người nhiễm chứ không có tác dụng ngăn ngừa cho người khoẻ mạnh.

Rửa tay sạch để tránh sự tiếp tục với đồ vật dính các hạt nước/dịch có virus vào miệng/mũi/mắt mới quan trọng. Nước rửa tay xếp sau nước sạch và xà phòng. Nếu ở nhà/nơi làm việc có đủ nước sạch và xà phòng thì bạn hãy ưu tiên nó. Đừng quá căng thẳng vì thiếu nước rửa tay khô.

Mở rộng cửa để thông thoáng nhà cửa, điều này sẽ làm nồng độ virus thấp xuống. Chúng tồn tại trong không khí thời gian khá ngắn. Dịch SARS trước đây các bác sĩ cũng chỉ làm một việc đơn giản ấy và làm giảm hẳn nguy cơ lây nhiễm”.

(Bác sĩ Ngô Đức Hùng)

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.