Đại dịch virus corona: Dẹp tin bịa mệt hơn chống dịch

Một poster về dịch do virus corona gây ra đặt tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. (Ảnh: EPA)
Một poster về dịch do virus corona gây ra đặt tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. (Ảnh: EPA)
TPO - Từ những chuyện về cam và điện thoại Xiaomi của Trung Quốc chứa mầm bệnh đến thông tin về người chết không đúng sự thật hay tự chữa khỏi tại nhà, internet đang tràn ngập những tin giả và sai lệch về đại dịch do virus corona mới gây ra. 

Virus này đã nhiễm vào gần 12.000 người trên khắp 22 quốc gia, chủ yếu tại Trung Quốc, và gây đảo lộn hoạt động đi lại toàn cầu. 

Trong lúc các chính phủ đang cố gắng chống đỡ đại dịch mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, dẹp tin đồn cũng trở thành một phần của nỗ lực đó. 

Tại Malaysia, Bộ trưởng Y tế Dzulkefly Ahmad tuần này cảnh báo người dân rằng vấn nạn tin giả lây lan còn nghiêm trọng hơn virus corona ở nước này.

“Để đối phó, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cập nhặt hằng ngày và hy vọng người dân sử dụng các nguồn đáng tin cậy thay vì tin vào những thứ gây chú ý trên mạng xã hội”, ông Ahmad nói. 

Malaysia và Singapore đều đã sử dụng luật trừng phạt những đối tượng lan truyền tin giả. 

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore cảnh báo chính phủ sẽ dùng mọi công cụ có thể để cung cấp thông tin chính xác cho người dân cũng như xử lý những tin giả khiến dư luận hoang mang và nhầm lẫn.

Tuần trước, cảnh sát Malaysia bắt 6 người phát tán tin giả về virus corona. Còn chính phủ Singapore viện dẫn Đạo luật chống tin giả trên mạng (Pofma) để chỉnh sửa những thông tin trên mạng liên quan đến virus mới. 

Lệnh yêu cầu sửa thông tin có thể được áp dụng với các công cụ tìm kiếm và nền tảng mạng xã hội như Facebook, Baidu và Twitter để gửi thông báo đến tất cả người dùng. 

Trong khi thông tin sai lệch lan truyền trên mạng khiến dư luận hoang mạng, điều đáng ngại với các chính quyền khắp châu Á là những xã hội đa chủng tộc ở khu vực này dễ tin vào tin đồn, khi virus được cho là bắt nguồn từ một khu chợ bán hải sản chuyên bán đồ hoang dã ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. 

Dù nghiên cứu khẳng định rằng không phải tất cả trường hợp đều liên quan đến khu chợ này, người Hoa và thói quen ăn uống của họ bị đổ lỗi là nguyên nhân phát tán virus. 

Tại Indonesia, một tin nhắn trên ứng dụng WhatsAppnói rằng đồ ăn do người Trung Quốc làm có thể chứa và phát tán virus, khiến giới chức nước này phải lên tiếng bảo đảm với dư luận rằng việc “mua quần áo từ Trung Quốc” sẽ không khiến bệnh lây lan. Còn ở Malaysia, nhiều tin trên mạng xã hội chế nhạo người giọng Trung Quốc và cáo buộc người Trung Quốc gây ra dịch bệnh vì thói quen ăn uống kỳ quặc.

Ông Helmy Haja Mydin, một bác sĩ về hô hấp đang làm việc ở Kuala Lumpur, cho rằng người dân đang trở nên lo lắng và hoang tưởng. Ông Zurairi A.R., một biên tập viên làm việc cho báo Malay Mail, nói rằng tình hình ở Malaysia đang bị thổi phồng vì thiếu cách tiếp cận khoa học để thẩm định sự thật, tư tưởng kỳ thị cộng đồng người Hoa cũng như tình trạng các chính trị gia đối lập lan truyền những thông tin như vậy để tấn công chính phủ và reo rắc hoài nghi.

Hôm 31/1, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng thật may mắn khi nước này đã có Pofma. 

“Đây là điều khác biệt so với đại dịch Sars năm 2001. Trong dịch Sars, chúng ta không có mạng xã hội, giờ mọi người có mạng xã hội, có WhatsApp và mọi thứ xung quanh. Có nhiều tin đồn, vì mọi người sợ hãi và khi họ nghe thấy gì đó, thông tin bị truyền đi, bị bóp mép, trở thành không đúng sợ thật. Bạn không chắc nhưng bạn rất sợ, bạn nói với gia đình và bạn bè, rồi tin được phán tán”, ông Lý nói. 

Chuyên gia thông tin Terence Fernandez, làm việc tại Kuala Lumpur, cho rằng chính phủ nước này nên tự hỏi xem đã làm đủ để cung cấp thông tin chính xác cho người dân và trấn an nỗi lo của dư luận hay chưa. 

Ông nói rằng chính phủ Malaysia “đánh mất lòng tin từ người dân” trong các vụ xử lý khủng hoảng trước đây, trong đó có vụ chiếc máy bay số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, vụ đưa chỉ số ô nhiễm không khí thành bí mật nhà nước, và việc chậm chạp khi phát hiện những đợt dịch trước đây như Sars và Nipah do tình trạng quan liêu.

“Những điều đó khiến dư luận cho rằng chính phủ không nói với họ sự t hật, do đó họ có xu hướng tìm kiếm và tin và các nguồn thông tin khác, trong đó có cả những tin mơ hồ”, ông Fernandez nói. 

Những tin giả và sai lệch bị khuyến tán trên mạng xã hội khiến nhiều hãng công nghệ phải có biện pháp đối phó trong những ngày gần đây. 

Google phối hợp với WHO ra mắt tính năng SOS Alert để giúp mọi người tiếp cận thông tin về virus corona dễ hơn hoặc tìm hiểu rõ hơn về virus này. 

Hôm 31/1, Facebook cho biết sẽ bắt đầu loại bỏ những “thuyết âm mưu” về virus corona mới, đặc biệt là những thuyết gây hại, cũng như chặn những hashtags có hại trên Instagram.

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG