Dịch tả lợn châu Phi lan rộng: Vào ổ dịch đầu tiên tại Hà Nội

Ổ dịch đầu tiên ở Hà Nội xuất hiện tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên đã được khoanh vùng, rắc vôi, phun thuốc sát trùng. Ảnh: Bình Phương
Ổ dịch đầu tiên ở Hà Nội xuất hiện tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên đã được khoanh vùng, rắc vôi, phun thuốc sát trùng. Ảnh: Bình Phương
TP - Dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã xuất hiện tại Thủ đô Hà Nội. Dù cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp dập dịch, lập chốt, khoanh vùng, phun tiêu độc khử trùng khu vực có dịch nhưng nguy cơ lây lan ASF ở Hà Nội rất cao do lợn, thịt lợn từ các địa phương khác, đặc biệt là các tỉnh lân cận đang có dịch như Hưng Yên, Hà Nam…chuyển về.

Bắt ký cam kết cấm “bán chạy”

Con đường vào ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của Hà Nội ở khu Đầm Nấm, phường Ngọc Thụy (Long Biên) phủ trắng vôi bột. Để tiếp cận ổ dịch, chiều 1/3/2019. PV Tiền Phong buộc phải sử dụng thiết bị bảo hộ, từ quần áo, mũ, khẩu trang, găng tay... Trước cổng vào khu vực chuồng trại nuôi 25 con lợn rừng của hộ gia đình ông Sơn bị mắc bệnh vừa bị chôn tiêu hủy, cơ quan thú y đã lập chốt kiểm dịch và treo biển: “Khu vực có dịch bệnh động vật không nhiệm vụ cấm vào”. Cạnh chốt, máy phun thuốc sát trùng được đặt sẵn. Vôi rải trắng xóa cả khu chuồng trại và hố chôn đàn lợn mắc bệnh.

Ông Nguyễn Văn Chính, cán bộ thú y phường Ngọc Thụy, người trực tiếp phụ trách chốt cùng với lực lượng dân phòng, cho biết, chốt trực 24/24 kể từ ngày có dịch, ngăn người ra vào. Đặc biệt, cán bộ ở chốt còn ngăn không để dân tẩu tán lợn ở khu vực này ra ngoài.

Theo ông Chính, đàn lợn rừng của hộ ông Sơn có triệu chứng sốt, ốm yếu từ ngày 23/2 và ông Sơn đã báo cho cán bộ thú y phường. “Nghi ngờ có dịch ASF, chúng tôi đã báo lên cấp trên và lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 25/2, kết quả phân tích mẫu cho là dương tính với bệnh dịch ASF”. Ngay sau đó, cơ quan Thú y thành phố yêu cầu tiêu hủy toàn bộ 25 con lợn rừng, áp dụng các biện pháp khoanh vùng, rắc vôi, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại của ông Sơn và của 4 hộ chăn nuôi xung quanh.

“Chúng tôi đề nghị thành phố thành lập tổ lưu động liên ngành, có lực lượng thú y, công an, quản lý thị trường để kiểm soát vấn đề vận chuyển lợn, thịt lợn. Cùng đó, thành phố sẽ lập 5 đoàn để kiểm tra tại các quận huyện”.
 Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng

Làm việc với PV, ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết, điểm dịch này do người dân báo lên. Gia đình có lợn mắc dịch cũng chấp hành, không tẩu tán lợn dịch ra ngoài. “Các mẫu xét nghiệm lấy từ 4 hộ xung quanh ổ dịch nói trên âm tính với ASF. Ổ dịch ở phường đang được kiểm soát tốt”, ông Văn nói. Theo ông Văn, ở khu vực Đầm Nấm nằm xa khu dân cư, có khoảng 5 hộ chăn nuôi. Bốn hộ chăn nuôi còn lại, phường đã phát vôi bột, phun tiêu độc và đề nghị các hộ cam kết không xuất lợn trong thời gian này.

Lãnh đạo phường Ngọc Thụy cũng cho biết, trên địa bàn phường có ít hộ chăn nuôi, chủ yếu là vùng vực, vùng bãi sông Hồng, sông Đuống với khoảng trên 500 con, nuôi nhỏ lẻ. “Phường đã tổ chức rà soát, cử cán bộ thú y đến các tổ dân phố vận động và cử cán bộ thú y các hộ chăn nuôi báo cáo hằng ngày. Khi có lợn ốm không bán chạy, tẩu tán. Ổ dịch vừa rồi, nguyên nhân được cho là do chủ hộ sử dụng các nguồn thức ăn bên ngoài. Cán bộ thú cũng đã hướng dẫn các hộ còn lại nên dùng thức ăn ngay ở vùng bãi, rau gia đình trồng và cho lợn ăn cám viên, tạm thời chưa dùng thức ăn ngoài”, ông Văn nói.

Trên địa bàn phường Ngọc Thụy có 2 chợ là chợ Ngọc Thụy và chợ Tổ 25 UBND phường đã yêu cầu ban quản lý chợ cùng cán bộ thú y kiểm soát thịt vào chợ, yêu cầu phải có nguồn gốc rõ ràng, từ lò mổ nào, có dấu của cơ quan thú y hay không.

Nguy cơ lây lan cao

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ổ dịch phát hiện ở Ngọc Thụy là do hộ nuôi cho lợn ăn thức ăn thừa, không đun nấu và hiện đã xử lý khoanh vùng, dập dịch theo quy định. Theo ông Đăng, dịch đã xuất hiện trên địa bàn thành phố và nguy cơ lây lan rất cao, đặc biệt là mầm bệnh từ các địa phương khác. Hiện tại, thành phố có 6 chốt kiểm dịch cố định đặt tại các cơ sở giết mổ, khu Ba La (Hà Đông), chợ Hà Vỹ (Thường Tín), Ngọc Hồi (Thanh Trì), Lốc Lã (huyện Gia Lâm)…Sở đã yêu cầu báo cáo hằng ngày, nếu xuất hiện dịch phải xử lý ngay.

“Chúng tôi cũng đề nghị UBND thành phố lập tổ lưu động liên ngành, có lực lượng thú y, công an, quản lý thị trường để kiểm soát vấn đề vận chuyển lợn, thịt lợn. Cùng đó, thành phố sẽ lập 5 đoàn để kiểm tra tại các quận huyện”, ông Đăng nói.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, tổng đàn lợn của Hà Nội lên tới 1,8 triệu con, trong đó chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tới 60%. Hà Nội còn là nơi tiêu thụ thịt lợn từ các địa phương đưa về, đặc biệt là những địa phương có dịch như Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng… vì vậy nguy cơ lây lan dịch rất cao. Sở đã chỉ đạo tăng cường lấy mẫu kiểm tra tại các lò mổ để kiểm tra nhanh. Nếu nghi sẽ gửi mẫu ra Trung tâm Chẩn đoán Thú y T.Ư để phân tích.

Cũng theo ông Đăng, Hà Nội có thuận lợi là vẫn còn hệ thống thú y xã phường, nên nắm bắt thông tin nhanh, xử lý ngay.

Dịch tả lợn châu Phi lan rộng: Vào ổ dịch đầu tiên tại Hà Nội ảnh 1 Ổ dịch đầu tiên ở Hà Nội xuất hiện tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên đã được khoanh vùng, rắc vôi, phun thuốc sát trùng. Ảnh: Bình Phương
MỚI - NÓNG