Tiêu hủy hàng ngàn con lợn
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đến nay bệnh ASF đã xảy ra tại 20 xã ở 13 huyện của 6 tỉnh thành: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam... Số lợn buộc phải tiêu hủy tới 2.350 con (trên 172 tấn), gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Trong đó, địa phương mới nhất xuất hiện dịch ASF là Hà Nam, tại một hộ chăn nuôi lợn rừng ở xã Văn Xã, huyện Kim Bảng. Toàn bộ 15 con lợn dương tính với virus gây bệnh đã được chôn tiêu hủy.
Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh ở xã Văn Xã để xét nghiệm. Tuy nhiên, đại đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan thú y xử lý tiêu hủy ngay lập tức.
Theo ông Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên, dịch ASF xuất hiện ở Hưng Yên đầu tiên, từ ngày 1/2. Là địa phương trọng điểm chăn nuôi, với đàn lợn trên 500 nghìn con, đặc biệt có xã có đàn lợn trên 20.000 con, chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, nên ông Quang rất lo dịch có thể lây lan thêm.
Theo ông Quang, hiện dịch tả lợn châu Phi ở Hưng Yên đã có mặt ở 5 xã, 8 thôn với số lợn tiêu hủy trên 1.500 con. “Tỉnh đã tổ chức ký cam kết tới hộ nuôi tận thôn xóm, thành lập 10 trạm kiểm soát liên ngành. Các huyện, xã cũng thành lập đội kiểm dịch, không cho vận chuyển lợn, thịt lợn ra vào vùng dịch, lợn không có nguồn gốc, không có xác nhận của cơ quan thú y”- ông Quang nói.
Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, tỉnh đã xuất kho trên 15.000 liều thuốc tiêu trùng khử độc và triển khai đồng loạt trên toàn tỉnh. Khi phát sinh dịch ở hộ nào, nếu còn quỹ đất thì chôn ngay ở đấy, tránh để người dân hiếu kỳ, xem chôn lấp, nhằm hạn chế lây lan.
Tại Thái Bình, ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, dịch đã xảy ra ở 36 hộ, 9 thôn của 5 xã ở các huyện Hưng Hà, Đông Hưng và Quỳnh Phụ. Toàn bộ 370 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn (hơn 21 tấn). Theo ông Xuyên, Thái Bình đã “siết” kiểm soát vận chuyển lợn, thịt lợn ở các cửa ngõ ra vào của tỉnh, kể cả các cầu phà, bến đò.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Thái Bình nêu vướng mắc: “Nếu theo Luật Thú y, cứ dịch xảy ra 2 xã thì huyện công bố, ở 2 huyện thì tỉnh công bố. Trong khi chúng tôi xảy ra ở 3 huyện rồi, tỉnh có công bố không? Nếu công bố thông tin sẽ ảnh hưởng tiêu thụ sản phẩm thịt lợn rất lớn. Còn nếu không công bố thì không thành lập được các chốt kiểm dịch?”.
Cần hỗ trợ kịp thời, sát giá thị trường
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ các hộ dân có lợn tiêu hủy chỉ 38.000 đồng/kg, là chưa sát với thị trường, đặc biệt là với lợn nái. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, với giá hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi, thấp hơn so với giá thị trường, nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg.
Thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng, thủ tục hỗ trợ vướng mắc... dẫn đến người dân bán chạy, bán tháo lợn bệnh. “Đây chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh lan tràn, mà chúng ta chưa khống chế được”- ông Tiến nói.
Ngoài ra, theo ông Tiến, một trong những nguyên nhân khiến dịch lây lan là việc nhiều tỉnh thành giải thể, sáp nhập cơ quan thú y cấp huyện thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp. Lực lượng thú y tổ chức theo Luật Thú y gần như không còn ở cấp huyện nữa, nên việc giám sát, phòng chống dịch ở cấp huyện bị trì trệ, bỏ trống.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, gia cầm, nhưng rất nguy hiểm, vì lợn mắc bệnh chết rất nhanh và không có vắc-xin. “Các giải pháp phải triển khai tổng hợp, phòng là chính, xây dựng kịch bản với dịch lan ra diện rộng. Tránh để tâm lý hoảng loạn, người dân bán chạy, cũng như e ngại không ăn thịt lợn nữa là cũng chết”- Bộ trưởng Cường nói.
Bộ trưởng Cường đề nghị các bộ ngành, địa phương siết toàn bộ vùng biên giới, vì nếu để dịch lan cả tuyến, toàn ổ nhỏ lẻ sẽ cực kỳ nguy hiểm. Cùng đó, tiếp tục ngăn chặn dịch từ hải cảng, sân bay…
Về hỗ trợ bà con có lợn bị tiêu hủy, Bộ trưởng Cường cho rằng, cần tương thích với thị trường, trong đó giá của lợn nái phải khác… “Hỗ trợ phải tức thì, chứ không chờ mấy tháng sau, đau đẻ không thể chờ sáng trăng, nguồn hỗ trợ từ dự phòng thiên tai dịch bệnh”- Bộ trưởng Cường nói thêm.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, các bộ ngành, các địa phương triển khai khẩn trương Chỉ thị của Thủ tướng mới đây về công tác phòng chống dịch, làm tốt thông tin truyên truyền, để người dân nắm rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh, hạn chế dịch bệnh lan ra diện rộng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương huy động hệ thống chính trị vào cuộc, có biện pháp hỗ trợ phòng chống dịch, hỗ trợ người chăn nuôi trong phạm vi của địa phương. Bộ NN&PTNT chủ trì, tính toán mức kinh phí phù hợp để hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu hủy để đề xuất Chính phủ.
Dự kiến, thứ 2 tuần tới (ngày 4/3), Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến về chỉ đạo chống dịch tả lợn châu Phi với 63 tỉnh thành.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương có số lượng người chăn nuôi lớn cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi lợn.