Bộ Nội vụ đang tổ chức các hội nghị tại ba khu vực: miền bắc, miền nam và Tây Nguyên để đóng góp ý kiến cho dự thảo báo cáo tổng kết thi hành và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức gửi tới các bộ ngành, ban, địa phương góp ý trước khi trình Chính phủ, Quốc hội.
Cho ý kiến về việc này, nguyên Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức (Bộ Nội vụ) Trần Anh Tuấn đề nghị, cần làm rõ hơn ai là cán bộ, ai là công chức và việc chuyển đổi giữa nhóm đối tượng này. Đặc biệt, cần có quy định chi tiết cho nhóm công chức trong quân đội, công an. Nên quy định những người lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là viên chức và nên thực hiện cơ chế biệt phái đối với cán bộ, công chức làm việc tại các Hội.
Đại diện Sở Nội vụ Quảng Ninh phản ánh một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện đánh giá và thi hành kỷ luật tại địa phương, như mức độ phân loại, đánh giá công chức, viên chức hàng năm chưa thống nhất với quy định của Đảng về phân loại, đánh giá đảng viên. Chưa có sự liên thông trong sử dụng kết quả đánh giá giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể dẫn tới việc đánh giá ở nhiều nơi, nhiều lúc còn hình thức, trùng lắp, tốn kém thời gian, vật chất.
Bên cạnh đó, các văn bản hiện hành chưa tạo đủ hành lang pháp lý cho việc đánh giá kết quả thực hiện công việc theo vị trí việc làm, chưa có kế hoạch chi tiết để theo dõi tiến độ giải quyết công việc được giao của cán bộ, công chức, viên chức đến những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, phản ánh không đúng thực trạng, mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức viên chức.
Đáng chú ý về kỷ luật cán bộ, công chức, chưa có quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý kỷ luật cán bộ, đặc biệt là đối tượng cán bộ cấp xã. Chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm trong thời gian công tác nhưng đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi khu vực nhà nước…
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long, Luật Cán bộ, công chức sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định đảm bảo liên thông trong công tác cán bộ; nghiên cứu, xác định lại chức danh cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với chính quyền đô thị, nông thôn và giao UBND cấp tỉnh quy định cụ thể cho phù hợp với từng địa phương.
Đối với Luật Viên chức, sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách trong tuyển dụng, quản lý, đánh giá, bổ nhiệm viên chức. Nghiên cứu đổi mới việc tổ chức thi cạnh tranh, phương thức thi, ra đề thi, đáp án chấm thi và việc tổ chức chấm thi. Quy định rõ trường hợp các đơn vị đã tự đảm bảo chi thường xuyên được quyền tự quyết số lượng người làm việc và được quyền tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức.
Về công tác kỷ luật cán bộ, lãnh đạo Bộ Nội vụ nhấn mạnh, cùng với chủ trương siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, quan điểm của Đảng rất rõ là phải xử lý nghiêm, đúng người, đúng việc kể cả cán bộ đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Tuy nhiên để bảo đảm tính đồng bộ, cần bổ sung quy định trong luật để tạo cơ sở pháp lý rõ hơn.