Thuận lợi cho công tác tổ chức
Theo quy chế sửa đổi, bổ sung quy định về cụm thi, năm nay mỗi địa phương trực thuộc T.Ư có thể tổ chức cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ khác tổ chức (cụm thi ĐH). Tổ chức cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH, CĐ tổ chức (cụm thi tốt nghiệp). Theo quyết định mới, tùy tình hình cụ thể của địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền quyết định không tổ chức cụm thi tốt nghiệp mà tổ chức cho cả hai đối tượng thí sinh dự thi ở cụm thi ĐH tại địa phương.
Theo một lãnh đạo Bộ GD&ĐT, điều này có thể hiểu là địa phương có quyền quyết định tổ chức một cụm thi. Trong đó, việc tổ chức một cụm thi ĐH có thể thuận lợi hơn trong công tác tổ chức, chuẩn bị. Thí sinh cũng có nhiều cơ hội lựa chọn xét tuyển ngành, trường học hơn so với ý định ban đầu chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp. Vị lãnh đạo này ví dụ, kỳ thi THPT quốc gia 2015, trong khi Hà Nội tổ chức hai cụm thi thì TP Hồ Chí Minh chỉ tổ chức 1 cụm thi duy nhất là cụm thi ĐH. Thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp hay cả hai mục đích đều tham dự một cụm thi.
Năm nay, quy chế của Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu rõ về việc bố trí tại mỗi điểm thi 1 điện thoại cố định dùng để liên hệ với Hội đồng thi. Ở những điểm thi không thể bố trí được điện thoại cố định thì bố trí 1 điện thoại kéo dài hoặc điện thoại di động đặt cố định tại phòng trực của điểm thi. Mọi cuộc liên lạc trong thời gian thi đều phải bật loa ngoài và nghe công khai. Trong trường hợp cần thiết, có thể bố trí máy tính tại phòng trực của điểm thi và đảm bảo máy tính chỉ được nối mạng khi chuyển báo cáo nhanh cho Hội đồng thi.
Quy chế cũng lưu ý thí sinh các điểm như, nếu bị đình chỉ thi môn thi nào sẽ bị điểm 0 (không) môn thi đó và không được tiếp tục dự thi các môn thi tiếp theo. Kết quả thi đó cũng không được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày thi mới có giá trị.
Có thể có tới 3 cán bộ chấm bài phúc khảo
Về phúc khảo, quy chế quy định, khi thí sinh phúc khảo, ban đầu sẽ có hai cán bộ chấm thi. Nếu kết quả chấm của hai cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy kết quả đó làm điểm phúc khảo và giao bài thi cho hai cán bộ chấm phúc khảo ký xác nhận. Trường hợp, kết quả chấm của hai cán bộ phúc khảo có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho Trưởng Ban Phúc khảo tổ chức cho cán bộ thứ ba chấm trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác. Nếu kết quả chấm của hai trong ba cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm phúc khảo. Nếu kết quả chấm của cả ba cán bộ chấm phúc khảo lệch nhau thì Trưởng Ban Phúc khảo lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm tròn đến hai chữ số thập phân làm điểm phúc khảo rồi ký tên xác nhận.
Bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm. Trong trường hợp điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo. Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực thì xử lý theo quy định.
Bộ GD&ĐT quản lý dữ liệu thi
Quy chế cũng quy định, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu thi của thí sinh. Các Hội đồng thi công bố kết quả thi sau khi chuyển dữ liệu kết quả thi về Bộ GD&ĐT và hoàn thành việc đối chiếu giữa dữ liệu kết quả thi gửi về Bộ GD&ĐT với dữ liệu kết quả thi lưu tại Hội đồng thi.