Đi tìm nguồn nông sản sạch cho 10 triệu dân Sài Gòn

Sơ chế rau VietGap tại HTX Phước Thịnh (Long An).
Sơ chế rau VietGap tại HTX Phước Thịnh (Long An).
TP - Trong năm 2017, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM (BQL ATTP) đã ký kết hợp tác với nhiều tỉnh thành như Long An, Lâm Đồng, Bình Thuận nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản bảo đảm ATTP. Đây là động thái giúp người dân yên tâm về thực phẩm, đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở trong chuỗi cung ứng nông sản cho TP.

Lợi đôi đường

Mới đây, Ban Quản lý ATTP thành phố phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận có buổi khảo sát và ký kết phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thủy sản bảo đảm ATTP giữa hai địa phương. Hai đơn vị phân phối và khai thác là Saigon Co.op và Công ty TNHH Mười Tuyền (Bình Thuận) đã “bắt tay” liên kết, tăng cường đầu tư hệ thống kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Ông Nguyễn Thành Nhân, TGĐ Saigon Co.op cho biết, việc bảo đảm ATTP nếu thực hiện tốt, chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, còn tạo giá trị thương hiệu cho các đơn vị cung cấp, nâng cao năng lực cung ứng. Sau thủy sản, Saigon Co.op mong muốn mở rộng danh mục sản phẩm của tỉnh Bình Thuận tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, nhất là sản phẩm đặc trưng của tỉnh này là thanh long.

Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Phước Thịnh (xã Phước Hậu, Cần Giuộc, Long An) 5 năm nay, mỗi ngày đều cung ứng cho TP 4-5 tấn rau an toàn vào hệ thống siêu thị Co.op Mart, trường học, bệnh viện, bếp ăn công nghiệp… Ông Đặng Duy Dũng, GĐ HTX cho biết: “Chúng tôi thông qua các HTX như Phú Lộc, Phước An, Phú Bình… để đưa sản phẩm an toàn vào thành phố. Nhờ những chương trình liên kết, ký kết hợp tác, chúng tôi cam kết sẵn sàng làm rau VietGAP theo yêu cầu khách hàng, cung cấp cho TPHCM những nông sản đảm bảo an toàn cho sức khỏe”.

HTX Phước Thịnh hiện có 40 xã viên, sản lượng 1.500 tấn rau an toàn/năm. Hầu hết các sản phẩm của HTX đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP như: rau ăn lá, rau gia vị và củ quả… Đơn vị sẵn sàng tham gia vào chuỗi giá trị truy xuất nguồn gốc rau của TPHCM.

Trong khi đó, chia sẻ về Dự án đầu tư Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Đà Loan (Lâm Đồng), bà Vũ Tuyết Hằng, TGĐ Cty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Nông nghiệp VinEco cho hay, VinEco mong muốn góp phần bảo vệ sức khẻo cộng đồng, xây dựng, lan tỏa tư duy sản xuất nông nghiệp sạch, hiệu quả cho người nông dân, cùng hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, xanh và bền vững.

VinEco hiện đã đưa vào thị trường hơn 200 chủng loại sản phẩm, như: rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, rau gia vị, trái cây…trong đó, đặc biệt có nấm, rau mầm và rau thủy canh, dưa lưới, dưa lê, dưa leo baby- là những sản phẩm cao cấp sản xuất trong nhà kính công nghệ Israel. “ATTP là vấn đề chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu. Vì vậy, chúng tôi sẽ luôn thực hiện tốt nhất những nguyên tắc chuẩn mực để đảm bảo sản phẩm an toàn khi đến tay người tiêu dùng”- bà Hằng nói.

Sẽ thêm nhiều nông sản sạch

Với hơn 10 triệu dân tại TPHCM, sản xuất nông nghiệp chỉ mới đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu thực phẩm, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Cụ thể: Rau, củ quả sản xuất tại TPHCM chỉ đáp ứng được 30%; động vật sống 10%; thủy sản và sản phẩm thủy sản là 15-20%.

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQLATTP, tiêu chí chọn các địa phương ký kết hợp tác dựa trên sản lượng cung ứng thực phẩm cho TPHCM. Bên cạnh đó, các cơ sở này đang hướng tới mục tiêu cung cấp nông sản cho thị trường trong nước và quốc tế, với những mặt hàng đảm bảo chất lượng bằng mô hình nhà kính khép kín, từ khâu trồng trọt, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, vận chuyển… Với cách làm trên, sẽ hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng sản phẩm hóa chất bảo vệ thực vật, có hệ thống truy nguồn gốc xuất xứ của từng loại sản phẩm rau quả rõ ràng, từ người tiêu dùng đến thửa ruộng và truy xuất ngược lại…

Bà Lan cho rằng, để rau, thịt sạch đến bàn ăn người dân thành phố, bên cạnh việc chống thực phẩm bẩn, quan trọng là xây dựng, ủng hộ thực phẩm sạch. TPHCM đang tập trung đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, xét nghiệm nhanh, xử lý nghiêm các vi phạm. Những hành động trên giúp người dân an tâm khi sử dụng thực phẩm ở các kênh phân phối như siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng như các chợ truyền thống.

Theo Trưởng BQLATTP, không phải đợi thực phẩm về đến thành phố mới kiểm soát, tiêu hủy gây thiệt hại cho cả người kinh doanh lẫn sản xuất. Muốn hiệu quả phải nâng cao quản lý từ nguồn cung ứng. Điều quan trọng là tăng tỷ lệ người dân sử dụng thực phẩm sạch, an toàn từ nơi sản xuất; sản phẩm đóng gói có nguồn gốc rõ ràng.

“Hy vọng nỗ lực vừa xây vừa chống của chúng tôi, cùng với sự hợp tác của các địa phương sẽ nhanh chóng tạo diện mạo mới, không chỉ TPHCM có nhiều nông sản, thực phẩm sạch; mà nhà nông ở các tỉnh lân cận cũng phát triển sản xuất theo cách bài bản hơn”.

 Bà Phạm Khánh Phong Lan

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.