Di tích ở Hà Nội: Nhanh chóng chỉnh trang, đón khách trở lại sau bão số 3

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tâm bão Yagi quét qua Hà Nội với sức công phá lớn đã khiến nhiều điểm đến, di tích tại Hà Nội xơ xác. Hàng loạt cổ thụ gắn liền với các điểm đến bị bật gốc, nằm trơ trọi trên đường khiến nhiều người tiếc nuối. Ngày 8/9, các ban quản lý di tích ghi nhận thiệt hại, nỗ lực khắc phục hậu quả, sớm mở cửa đón khách.

Xót xa cổ thụ, cây di sản!

Sau thời gian càn quét các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, vào lúc 20h tối 7/9, tâm bão Yagi quét qua Hà Nội, sức gió mạnh nhất 102 km/h, cấp 10, giật cấp 12. Theo thống kê của TP Hà Nội, có hàng nghìn cây gãy đổ, trong đó nhiều cổ thụ gắn với hàng loạt di tích, điểm đến hàng đầu của thủ đô.

Lâu nay, cổ thụ cạnh Nhà thờ Lớn Hà Nội đã trở thành địa điểm chụp ảnh không thể bỏ qua của du khách. Cổ thụ góp phần tạo thêm vẻ cổ kính cho công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi này. Tuy nhiên, sau khi cơn Yagi đổ bộ, cây lâu năm này đã bị quật ngã.

Di tích ở Hà Nội: Nhanh chóng chỉnh trang, đón khách trở lại sau bão số 3 ảnh 1

Cổ thụ gắn liền với biệt thự 49 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị bật gốc khiến một phần tường bao khu biệt thự biến dạng. Ảnh: XUÂN TÙNG

Cây sưa già cạnh trụ sở Bộ Ngoại giao (phố Tôn Thất Đàm, quận Ba Đình) cũng bị bão số 3 quật đổ. Nơi đây, khoảng tháng 3 hằng năm khi hoa sưa nở, điểm xuyết một vùng hoa trắng muốt cho cả góc phố là lúc tấp nập người dân đến chiêm ngắm, chụp ảnh. Thế nhưng, khi bão Yagi qua đi, tất cả chỉ còn là ký ức...

TS. Nguyễn Doãn Văn, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết, thông qua kiểm tra, báo cáo của các di tích, danh thắng do TP Hà Nội quản lý, không ghi nhận thiệt hại lớn về người và của. Đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... do ảnh hưởng của bão, gió to khiến nhiều cành cây bị gãy, một số cây bị bật gốc. “Các di tích không bị ảnh hưởng lớn, thiệt hại về tài sản phần lớn là bảng hiệu, bảng hiện chữ, hướng dẫn trong khu di tích bị rơi, hỏng... Các thiệt hại này có thể nhanh chóng khắc phục được”, TS. Nguyễn Doãn Văn nêu.

Cây đa phía sau đền Bà Kiệu cũng không chống lại được sự càn quét của bão Yagi và bị quật ngã chiều ngày 7/9. Được biết, cây đa được kéo lên, không bị cưa bỏ hay di dời khỏi không gian đền Bà Kiệu.

Tuyến phố Phan Đình Phùng thơ mộng bậc nhất Hà Nội cũng trở nên hoang tàn sau bão. Con phố từng đông nghịt người đến chụp ảnh độ thu về nay trở nên ngổn ngang với hàng loạt cây bị bật gốc, đổ ra đường.

Nhiều người ngỡ ngàng không còn nhận ra hình ảnh tuyến phố thơ mộng ngày nào, nơi có hàng cây rợp mát, nô nức người “check-in”. Cây trong khuôn viên biệt thự 49 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị bật gốc khiến một phần tường bao khu biệt thự biến dạng.

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Một số di tích trên địa bàn Thủ đô đều ghi nhận thiệt hại sau cơn bão. Các ban quản lý nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão, sớm mở cửa lại. Lãnh đạo các khu di tích khẳng định, nhờ chủ động chuẩn bị, thực hiện nghiêm các chỉ thị về phòng, chống bão nên hậu quả được ghi nhận ở mức thấp nhất.

Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, tính đến ngày 8/9, Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long có 5 cây bị đổ nhưng không phải cổ thụ. Tại Khu di tích khảo cổ học số 18 Hoàng Diệu, mái nhà tạm bay xuống do gió quá to.

Di tích ở Hà Nội: Nhanh chóng chỉnh trang, đón khách trở lại sau bão số 3 ảnh 2

Hàng loạt cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám bắt đầu dọn dẹp từ 7h30 sáng 8/9

“Các di tích và điểm thờ tự đều an toàn sau bão, không có bất cứ hư hại nào. Trung tâm đã họp nhiều lần để ứng phó với diễn biến của bão số 3. Đặc biệt, các kho hiện vật được đảm bảo tuyệt đối. Trong ngày 7/9, gần như 100% cán bộ, nhân viên nam và đội xung kích trực cả ngày. Sáng 8/9, trung tâm họp sớm để triển khai các phương án dọn dẹp sau bão. Công tác dọn dẹp được hoàn thành trước 17h ngày 8/9. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long mở cửa lại vào ngày 9/9”, ông Nguyễn Thanh Quang chia sẻ.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết, nhờ sự chuẩn bị kỹ trước bão, cắt tỉa các cành của cổ thụ, cây cao, đặc biệt xung quanh các công trình kiến trúc của di tích nên thiệt hại không quá nặng nề. Ngay sau khi cơn bão đi qua, toàn bộ cán bộ, viên chức, người lao động của trung tâm được huy động để khắc phục hậu quả một cách nhanh chóng và tích cực.

“Sau bão, các công trình an toàn, cổ thụ không bị đổ, gẫy. Có khoảng 30 cây bị đổ, bật gốc, gãy cành, chủ yếu ở khu vực Vườn Giám, Hồ Văn. Các cây này không phải cây lâu năm. Chúng tôi đã thu dọn xong khu vực nội tự, sẵn sàng cho việc mở cửa đón khách tham quan từ chiều 8/9”, ông Lê Xuân Kiêu nêu.

Theo đó, 60 cán bộ, viên chức, người lao động của trung tâm bắt đầu dọn dẹp từ 7h30 sáng ngày 8/9 để kịp thời mở cửa đón khách lúc 12h30 cùng ngày. Các khu vực khác như Vườn Giám, Hồ Văn sẽ được trung tâm tiếp tục dọn dẹp, chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh môi trường, đảm bảo diện mạo quang đãng như trước khi bão đổ bộ.

Nhờ chủ động trong công tác phòng, chống bão, Di tích Nhà tù Hoả Lò không ghi nhận thiệt hại nào sau cơn bão. Ban quản lý (BQL) di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết ngay khi nhận được thông tin về cơn bão, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ phòng, chống bão tới các bộ phận, các phòng chuyên môn.

“Trong hai ngày 6 và 7/9, đơn vị thực hiện tăng cường số lượng cán bộ trực đêm tại Di tích để thường xuyên báo cáo, cập nhật tình hình và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh”, đại diện BQL nói. Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng tạm ngưng hoạt động tham quan vào 7 và 8/9. Chiều 8/9 đơn vị tiến hành quét dọn di tích để chuẩn bị đón khách trở lại từ ngày 9/9.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
TPO - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khu vực doanh nghiệp đề xuất khoan thăm dò không thuộc khu vực cấm, khu vực thuộc đất quốc phòng an ninh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Vấn đề ô nhiễm môi trường hay không do Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đánh giá, việc xem xét cấp phép hay không do Trung ương quyết định.