Ở đơn vị chủ lực, làm nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu, việc tìm cho mình một “bờ vai” ở hậu phương gặp nhiều khó khăn. Có người ngoài tuổi “băm” vẫn “lính phòng không”. Thế nên, trung úy Tùng được coi là may mắn hơn nhiều đồng đội khác. Câu chuyện tình duyên của chàng trung úy quê xứ Thanh bắt đầu từ một chuyến về thăm nhà dịp Tết...
Tùng và cô thôn nữ Trần Thị Cẩm Giang sinh ra và lớn lên ở cùng một quê. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Giang không thi vào đại học mà đi làm cho công ty may gần nhà. Cô thôn nữ có làn da trắng hồng, má lúm đồng tiền và chiếc răng khểnh rất duyên khiến bao chàng trai theo đuổi nhưng trái tim Giang vẫn để ngỏ chuyện tình yêu. Năm 2013, chàng học viên Trường Sĩ quan Chính trị Nguyễn Văn Tùng được về nghỉ Tết, anh mặc bộ quân phục xuống xe, đang ngơ ngác thì có tiếng gọi của một cô gái phía sau: “Chú bộ đội có về Hoằng Hợp, Hoằng Hóa không? Lên em chở, miễn phí”.
Câu hỏi bất ngờ làm Tùng lúng túng. Sau ít phút, Tùng trả lời cũng về Hoằng Hợp. Phút thẹn thùng qua nhanh, hai người chở nhau về nhà trên chiếc xe đạp cũ, đường trơn trượt khiến chiếc xe nhiều lần tròng trành, làm cô thôn nữ ôm chặt anh một cách bất đắc dĩ, mặt đỏ nhừ. Ði trên con đê, hai người nói chuyện, tìm hiểu và quen nhau từ đó. Giang thì xưng chú, Tùng thì gọi em. Trước lúc ai về nhà nấy, Tùng xin được số điện thoại và biết nhà của Giang. Những ngày nghỉ Tết, tối nào Tùng cũng đến nhà Giang chơi, với lý do cảm ơn lần đi nhờ xe. Tại đây, Tùng có dịp trổ tài, tự tay gói bánh chưng, cắt hoa trang trí Tết. Ðôi tay khéo léo, giọng nói nhẹ nhàng đã chinh phục trái tim Giang. Từ lúc ban đầu gọi Tùng là chú, Giang chuyển gọi anh khi nào không hay.
Những ngày nghỉ Tết qua nhanh, hôm ấy, hai người chia tay nhau nhưng lưu luyến “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Vì đang là học viên, Tùng được sử dụng điện thoại rất hạn chế, chủ yếu liên lạc qua thư hay dòng tin nhắn. Anh kể cho Giang những buổi học trên giảng đường, những lần hành quân, diễn tập và không quên động viên cô giữ gìn sức khỏe, gắng làm việc tốt và đợi anh…