Dấu chân lính trẻ truyền hình

Phóng viên thời sự QPVN tác nghiệp trên tuyến biên giới Lạng Sơn trong dịp giáp Tết nguyên đán 2018
Phóng viên thời sự QPVN tác nghiệp trên tuyến biên giới Lạng Sơn trong dịp giáp Tết nguyên đán 2018
TPO - 5 năm qua, bước chân của những người lính trẻ ở kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam thuộc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội đã in dấu trên khắp các “trận địa”, từ hải đảo xa xôi tới biên cương địa đầu đất nước.

Dấn thân vào gian khó

Yêu màu xanh áo lính nên vào năm 2013, khi kênh Quốc phòng Việt Nam (QPVN) chuẩn bị ra mắt thì Nguyễn Thuỳ Linh quyết tâm đăng ký thi tuyển ngay đợt đầu tiên. Say nghề và luôn dấn thân, hiện Thuỳ Linh là một trong những biên tập viên chắc tay ở Phòng Chuyên đề (chuyên mục Biên cương xanh).

Để có những thước phim chân thật đặc tả hình ảnh thấm đẫm tình quân dân và những cống hiến của lực lượng biên phòng cùng bà con các dân tộc trên mọi miền biên cương, Thuỳ Linh và các đồng nghiệp thường xuyên lặn lội lên biên giới - nơi trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, đời sống thiếu thốn, lạc hậu, đường sá đi lại khó khăn, vất vả.

“Chuyên mục Biên cương xanh phát sóng lúc 20h45 thứ tư hàng tuần trên kênh QPVN. Chúng tôi có 4 biên tập viên, trung bình mỗi tháng một biên tập viên phụ trách một số với thời lượng 30 phút. Thế nên gần như hàng tháng chúng tôi đều đi công tác ở khắp mọi miền biên cương. Chuyến đi tác nghiệp dài nhất của tôi là 20 ngày”, Thuỳ Linh tâm sự.

Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình tác nghiệp, Thuỳ Linh nói: “Những lần di chuyển bằng xe máy xuống các bản làng tác nghiệp, một số cung đường biên giới cheo leo, hiểm trở chưa có đường ô tô, xe máy, phải đi trên đường mòn nhỏ lắt léo, phía dưới là vực thẳm, mặc dù rất yên tâm với tay lái của các anh Bộ đội Biên phòng nhưng tôi vẫn không khỏi nhiều lần thót tim”.

Dấu chân lính trẻ truyền hình ảnh 1 Một chuyến tác nghiệp đáng nhớ của Thùy Linh trên biên giới 

Theo Thùy Linh, qua những chuyến đi, bên cạnh những khó khăn thì còn có rất nhiều niềm vui và những trải nghiệm vô giá. Ở nơi biên cương, những người lính quân hàm xanh vẫn đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ bờ cõi thiêng liêng. Vừa là người lính, các anh còn là thầy giáo, người thầy thuốc, nhà nông nghiệp… mang quân hàm xanh luôn “3 cùng 4 bám” với bà con các dân tộc nơi đóng quân.

“Sự gắn bó máu thịt với biên cương, sự tín nhiệm của bà con dành cho các anh là điều tôi cảm nhận được rất rõ ràng và sâu sắc. Tôi đã học ở các anh nhiều phẩm chất quý giá về sự nỗ lực, quyết tâm và sẻ chia. Bởi vậy, tôi thấy những vất vả trong công việc của mình như bé lại, chỉ còn tinh thần luôn tiến về phía trước để tạo ra những tác phẩm hay, xứng với tầm vóc, sự cống hiến và những hi sinh thầm lặng của những người lính biên phòng”, Thùy Linh chia sẻ.

Và như nhiều nữ đồng nghiệp trẻ ở kênh QPVN, Thùy Linh luôn phải vượt lên những lo toan cuộc sống thường nhật. Không ít người trong số họ đều mới lập gia đình, con nhỏ, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng tất cả đều say nghề và luôn cống hiến hết mình trong công việc.

Góc nhìn khác về Trường Sa

Trong khi Thuỳ Linh mải miết với những cung đường biên giới, thượng úy Hoàng Thế Toàn (sinh năm 1989, biên tập viên Chính luận, Phòng Thời sự) lại khoác balo tới các vùng biển, đảo xa xôi với những nguy hiểm luôn cận kề trong sóng to gió lớn. Thượng uý Toàn cũng thuộc thế hệ đầu tiên khi kênh QPVN bắt đầu lên sóng truyền hình.

"Sau 5 năm thành lập, QPVN đã trở thành một trong bảy kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, có tỉ lệ người xem (rating) khá cao, góp phần đưa hình ảnh quân đội và đời sống quân ngũ đến gần hơn với khán giả cả nước. Thành công này có sự đóng góp rất hiệu quả của các phóng viên, biên tập viên trẻ" - Đại tá Vũ Văn Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội.

Thượng uý Toàn kể: “Tôi thường xuyên viết về đề tài biển đảo và cứu hộ cứu nạn. Ở mảng đề tài này, góc nhìn sáng tạo và dấn thân của những phóng viên trẻ sẽ giúp tạo nên các tác phẩm truyền hình hấp dẫn, mới lạ. Dịp cận Tết 2013, lần đầu tiên tôi ra công tác tại quần đảo Trường Sa. Trong khi nhiều đồng nghiệp cùng đi đã tìm hiểu trước thông tin ở sách báo, phim ảnh nhưng tôi chỉ chuẩn bị thật kỹ đồ đạc tác nghiệp và xác định sẽ kể câu chuyện về Trường Sa bằng một góc nhìn mới. Vì vậy, kết thúc chuyến công tác, tôi đã có những loạt phóng sự không hẳn là hay, là mới về Trường Sa nhưng đó là những câu chuyện được kể một cách khác lạ”. 

Dấu chân lính trẻ truyền hình ảnh 2

Thượng uý Hoàng Thế Toàn tác nghiệp trong sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, tháng 5/2014

Toàn vẫn nhớ câu chuyện về một chiến sỹ hải quân trên chuyến tàu năm đó. Vì đi vào dịp cuối năm, biển động, nên sau mỗi trận say sóng, tỉnh lại Toàn để ý thấy chiến sỹ này thường cặm cụi kê cuốn vở lên ba lô và viết nhật ký về hành trình ra giữ đảo của mình.

“Tôi hỏi chuyện và ghi hình chiến sĩ ấy từ lúc ở trên tàu, lên tới đảo và thực hiện phiên gác đầu tiên ở cột mốc chủ quyền tại đảo Sơn Ca. Trước khi chia tay, tôi nhận lời sẽ thông tin cho cậu ấy khi phát sóng chương trình. Nhưng tôi đã không thực hiện được lời hứa của mình, bởi chế độ huấn luyện, học tập của cán bộ, chiến sỹ trên đảo và khó khăn trong liên lạc qua điện thoại di động. Sau 5 năm, nhân vật chiến sỹ đó của tôi vẫn chưa được xem hành trình ra giữ đảo của mình trên sóng truyền hình…”, thượng uý Toàn trầm ngâm nói.

Vào năm ngoái, khi trận lũ quét lịch sử diễn ra tại xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đi qua gần 1 tháng, thượng úy Toàn cùng các đồng nghiệp tới xúc động ghi lại những khuôn hình cán bộ, chiến sỹ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La vẫn đang chân trần lội xuống bê vác từng tấm tôn, bao xi măng để giúp cả trăm hộ dân dựng lại nhà cửa trên sườn núi. Sau khi bám trụ cả tháng trời để dựng nhà giúp bà con, những chiến sỹ trẻ lại lên những đỉnh đồi cao để khai hoang thêm đất giúp bà con trồng cam, trồng bưởi để khôi phục kinh tế.

“Khó có thể quên được hình ảnh về bàn tay của những chiến sỹ đào từng hố đất gan gà để giúp bà con trồng cây sau trận lũ… Là một phóng viên của QPVN thì việc được sống, làm việc với những người lính đã giúp chúng tôi học hỏi, rèn luyện được tinh thần làm việc hết mình, nghĩ mới và làm khác”, Thế Toàn nói.

Tối nay (16/5), tại Hà Nội, diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật “QPVN - Dấu ấn và Khát vọng” kỷ niệm 5 năm ngày Kênh QPVN ra đời (19/5/2013).

Kênh Truyền hình QPVN là cơ quan ngôn luận của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam. Đây là kênh truyền hình chuyên biệt của lực lượng quân sự, quốc phòng nhằm đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; cung cấp các thông tin chính thống, định hướng của Đảng và Nhà nước, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng kịp thời, liên tục và trung thực.

MỚI - NÓNG