Di dời nhà máy khỏi nội đô Hà Nội, vì sao vẫn giậm chân tại chỗ?

0:00 / 0:00
0:00
Sự cố cháy nhà máy Cty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ngay quận trung tâm Hà Nội.
Sự cố cháy nhà máy Cty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ngay quận trung tâm Hà Nội.
TPO - Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm di dời nhà máy ra khỏi nội đô Hà Nội, trong đó có khó khăn trong huy động nguồn lực, bố trí nguồn vốn thực hiện, trong khi công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn.

Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội về đề nghị tiếp tục di dời các nhà máy, xí nghiệp sản xuất; trường đại học, bệnh viện từ khu vực nội thành ra ngoại thành để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, Bộ Xây dựng cho biết, công tác di dời là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai từ khâu lập quy hoạch, đề án di dời cho đến thực hiện còn chậm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: Có sự thay đổi về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan ảnh hưởng tới tiến độ lập quy hoạch, đề án di dời. Quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực, bố trí nguồn vốn thực hiện, trong khi công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Sự chủ động, phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan chưa cao...

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 130/QĐ/TTg ngày 23/1/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội, Bộ Xây dựng đang tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng để tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý, triển khai thực hiện theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu thực tế.

Bộ Xây dựng cũng tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh trong vùng Thủ đô trong quá trình thực hiện; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế để kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh hoặc điều chỉnh theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, Bộ phối hợp với địa phương tổ chức thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển có hiệu quả; tạo sự liên kết không gian vùng, chia sẻ chức năng giữa các đô thị trong vùng, tạo động lực, sức hấp dẫn cho các đô thị vệ tinh, khai thác tiềm năng đô thị trung tâm nhằm giảm áp lực gia tăng dân số cơ học vào đô thị lớn.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần thúc đẩy tiến độ lập các quy hoạch ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình và biện pháp thực hiện; đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết.

Thông tin về tình hình triển khai công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô Hà Nội, Bộ Xây dựng cho biết, đối với cơ sở sản xuất công nghiệp, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác di dời; xây dựng danh mục công trình cần di dời cụ thể, đề xuất nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận, xác định lộ trình và tổ chức thực hiện.

Đối với công tác di dời cơ sở y tế và giáo dục đào tạo, Bộ Y tế đang triển khai lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021/2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ/TTg ngày 18/5/2020; Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021/2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 209/QĐ/TTg ngày 17/2/2021, làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo quy hoạch được duyệt.

MỚI - NÓNG