Di dời các cơ sở ô nhiễm: Chậm trễ vì… cơ chế?

Nhà xưởng tại ô đất 460 Trần Quý Cáp được cho thuê bởi Cty CP Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường
Nhà xưởng tại ô đất 460 Trần Quý Cáp được cho thuê bởi Cty CP Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường
TP - Hà Nội đã bố trí 450 ha đất sạch tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp để di dời các cơ sở gây ô nhiễm. Danh mục, lộ trình di dời cũng được xác định. Riêng đối với 26 cơ sở gây ô nhiễm, UBND thành phố sẽ thực hiện phương thức bắt buộc.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội trên địa bàn 12 quận, có 186 địa điểm hiện đang là các cơ sở sản xuất phải di dời. Trong đó có nhiều nhà máy có quy mô rất lớn, nằm ở khu “đất vàng” của Thủ đô.

Trong 7 quận nội thành, đứng đầu là địa bàn quận Đống Đa với 16 cơ sở sản xuất: Cty CP Xây lắp và Cơ khí Cầu đường (460 Trần Quý Cáp) rộng hơn 13.000m2, Cty Cơ khí ô tô 3-2 (18 Giải Phóng) rộng hơn 14.000 m2. Nhiều không kém là quận Hai Bà Trưng với 14 cơ sở, trong đó có Cty CP bánh kẹo Hải Hà (25 Trương Định), Cty TNHH Nhà nước MTV Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Dệt Minh Khai... Địa bàn quận Ba Đình có Nhà máy Bia Hà Nội (183 Hoàng Hoa Thám) với diện tích 50.000m2 - khu vực đã được quy hoạch làm đất phát triển đô thị (đất hỗn hợp, công cộng đô thị, trường học và cây xanh).

Trong số các cơ sở này, Sở TN&MT đã xác định 26 doanh nghiệp có cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Trong đó có Cty CP Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường tiền thân là Nhà máy cơ khí Cầu Đường thuộc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, có trụ sở tại 460 Trần Quý Cáp. Theo phản ánh, nhiều hoạt động như in ấn, giặt là, cho thuê kho bãi khiến cho cư dân xung quanh bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói bụi…

Tháng 10/2018, Sở TN&MT Hà Nội đã quan trắc nước thải tại đây, kết quả cho thấy nhiều thông số ô nhiễm trong nước thải như: COD, TSS, asen… Tuy nhiên, đến thời điểm này, Cty vẫn tiếp tục hoạt động.

Nhà máy chưa di dời vì vướng cơ chế

Theo Cty CP Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường, Cty đã chủ động đầu tư xây dựng xưởng sản xuất tại Cụm công nghiệp Hà Bình Phương (huyện Thường Tín) bằng vốn vay thương mại. Hiện chỉ còn một phần hoạt động sản xuất cơ khí tại địa điểm 460 Trần Quý Cáp. Đối với việc cho thuê khu đất để làm các dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, đơn vị này cho biết do UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định về giải phóng mặt bằng, tái định cư nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Cty hiện đang cho thuê các hợp đồng dưới 12 tháng để tránh lãng phí.

Ông Ngô Quế Lâm, Tổng Cty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) cho biết, đơn vị vẫn đang hoạt động sản xuất trên quỹ đất 5ha tại quận Ba Đình. “Đây là diện tích đất thuê hàng năm của Hà Nội. Quỹ đất này được quy hoạch làm công viên, vườn hoa và trường học nên khi nào thành phố có nhu cầu sử dụng và đền bù cho Tổng Cty thì Habeco sẵn sàng di dời”, ông Lâm nói.

Được biết, hiện Habeco đang sở hữu quỹ đất 22 ha tại huyện Mê Linh, ngoại thành Hà Nội và đã có nhà máy công suất 200 triệu lít/năm. “Mục tiêu của Tổng Cty là nâng công suất nhà máy Mê Linh lên 400 triệu lít/năm. Trong khi sản lượng của dây chuyền sản xuất tại quận Ba Đình chỉ chiếm 1/10 sản lượng của Tổng Cty nên việc di dời khỏi khu đất này đơn vị không gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh”, ông Lâm cho biết thêm.

Về việc di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô, UBND Thành phố Hà Nội đã có nhiều buổi họp để xem xét danh mục di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu vực 12 quận nội thành. Theo đó, giao Sở TN&MT tổ chức hội nghị mời 26 doanh nghiệp có cơ sở sản xuất ô nhiễm để đối thoại…

Sở TN&MT thông báo chủ trương của thành phố về công tác di dời và đề nghị các doanh nghiệp nêu rõ quan điểm, đề xuất cách làm, nguồn lực… và các kiến nghị với thành phố. Ngoài ra, Sở TN&MT đề xuất các phương án di dời 26 cơ sở này theo phương thức bắt buộc, thông báo trước cho doanh nghiệp và chỉ tiêu quy hoạch khu đất sau khi di dời cơ sở sản xuất, ghi rõ địa điểm rời đến (trong các KCN - CCN của thành phố), cơ chế hỗ trợ về vốn, đất đai… Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới để xử lý ô nhiễm môi trường. 

MỚI - NÓNG
Dự án Bệnh viện Đa khoa Cà Mau mới vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, sau 4 năm mới san lấp mặt bằng, xây hàng rào, đường nội bộ Ảnh: Tân Lộc
Bài 17: Bệnh viện hơn 3.300 tỷ đồng 'bất động'
TP - Sau 4 năm, Dự án Bệnh viện Đa khoa Cà Mau vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng thay vì đưa vào sử dụng như mục tiêu khi được duyệt, nay vẫn chưa thể khởi công. Tháng 7 vừa qua, chủ đầu tư chọn được nhà thầu nhưng phải hủy vì phát hiện sai sót.