Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Cà Mau được HĐND tỉnh này thông qua chủ trương đầu tư tháng 7/2020, quy mô 1.200 giường bệnh, tổng vốn đầu tư 3.322 tỷ đồng, mục tiêu hoàn thành cuối năm 2025. Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Cà Mau làm chủ đầu tư. Bệnh viện mới được kỳ vọng sẽ giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa Cà Mau đã xuống cấp, quá tải, phòng bệnh luôn trong tình trạng 2 người 1 giường, nhiều bệnh nhân phải nằm ra lối đi, hành lang. Bệnh viện mới với trang thiết bị hiện đại, sẽ giúp người dân địa phương thoát cảnh chật vật chuyển viện, tốn kém khi phải đi bệnh viện tư, lên Cần Thơ, TPHCM điều trị.
Dự án Bệnh viện Đa khoa Cà Mau mới vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, sau 4 năm mới san lấp mặt bằng, xây hàng rào, đường nội bộ. Ảnh: Tân Lộc |
Tuy nhiên, sau 4 năm được duyệt, Dự án Bệnh viện Đa khoa Cà Mau mới vẫn chưa khởi công các hạng mục chính (các toà nhà bệnh viện). Toàn bộ mặt bằng rộng hơn 12ha đã được giải phóng sạch, chủ đầu tư san lấp một phần, làm được tường rào, lối đi nội bộ và một số cọc móng… rồi để đó. Thông tin từ chủ đầu tư cho hay, từ năm 2021 tới tháng 7/2024, dự án giải ngân được khoảng 173 tỷ đồng. Riêng năm 2024, tỉnh Cà Mau bố trí hơn 349 tỷ đồng ngân sách cho dự án, nhưng sau 7 tháng của năm mới giải ngân được hơn 51 tỷ đồng (gần 13% vốn kế hoạch năm).
Một bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cho hay, lúc dự án xây bệnh viện mới được phê duyệt ai cũng kỳ vọng, bác sĩ có cơ sở khang trang, máy móc hiện đại để hành nghề, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh. Người dân được khám, điều trị tại cơ sở chất lượng, giảm cảnh bệnh nặng gia đình phải đèo bồng đi Cần Thơ, TPHCM điều trị. Nhưng sau 4 năm, hy vọng trên cũng dần lụi tắt, chưa biết bao giờ bệnh viện mới xây xong.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án Bệnh viện Đa khoa Cà Mau mới chậm trễ tới từ nhiều nguyên nhân. Ban đầu, dự án vướng về phê duyệt hồ sơ thiết kế phòng cháy chữa cháy (chậm 6 tháng), do đơn vị tư vấn thiết kế lúng túng, chưa nghiên cứu cập nhật kỹ quy chuẩn phòng cháy mới. Điều này dẫn tới hồ sơ phòng cháy nhiều sai sót, cơ quan thẩm duyệt phải trả lại nhiều lần để bổ sung, mất thời gian.
Khi các thủ tục dự án được thông qua, chủ đầu tư thực hiện đấu thầu tìm nhà thầu thi công xây dựng khối nhà chính bệnh viện và một số hạng mục phụ trợ giá trị hơn 814 tỷ đồng (gói thầu số 27). Tháng 7/2024, chủ đầu tư công bố kết quả chấm thầu, phê duyệt đơn vị trúng thầu, lập tức các nhà thầu bị loại có đơn soát xét lại việc đấu thầu. UBND tỉnh Cà Mau giao Sở KH&ĐT tỉnh lập Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại của nhà thầu và chỉ ra nhiều thiếu sót trong quá trình đấu thầu, kể cả về giá trúng thầu. Tiếp đó, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo đánh giá lại hồ sơ dự thầu, quá trình đấu thầu, và giao Thanh tra Sở KH&ĐT xem xét sai phạm, xử phạt chủ đầu tư, bên mời thầu và các đơn vị tư vấn đấu thầu có liên quan (nếu có).
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau hiện hữu xuống cấp, quá tải. Ảnh: Tân Lộc |
Chưa dừng lại đó, ngày 20/9/2024, Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng tỉnh Cà Mau có quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu 27, để đánh giá lại hồ sơ dự thầu của các nhà thầu. Chủ đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành việc chọn nhà thầu để khởi công xây dựng khối nhà chính vào tháng 2/2025, hoàn thành vào cuối tháng 6/2026.
Như vậy, Dự án Bệnh viện Đa khoa Cà Mau mới chắc chắn chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu khi được duyệt chủ trương đầu tư (hoàn thành năm 2025). Qua thực tế triển khai dự án bệnh viện hơn 3.300 tỷ đồng của Cà Mau 4 năm qua, rất khó để trả lời câu hỏi bao giờ bệnh viện này có thể hoàn thành, còn bác sĩ và người dân ở vùng cuối dải đất chữ S vẫn phải chờ đợi.
Những dự án nhỏ nhưng lãng phí không nhỏ
Cũng tại Cà Mau, Dự án cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Cà Mau được phê duyệt từ năm 2005, vốn hơn 568 tỷ đồng từ vốn ODA, đến nay đã gần 20 năm vẫn chưa thể triển khai, do chưa được duyệt dự toán và thiết kế bản vẽ thi công. Lý do, phương án đường ống thu gom nước thải trên Quốc lộ 63 chưa được Cục Đường bộ (trước là Tổng cục, Bộ GTVT) chấp thuận. Ngoài ra, nhiều gói thầu phải lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài dẫn đến tăng chi phí đầu tư của dự án, bị ràng buộc về điều kiện sử dụng nguồn vốn vay ODA, thay đổi cơ cấu nguồn vốn...
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, sau 20 năm, tới nay Dự án cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Cà Mau mới giải ngân được hơn 36 tỷ đồng.
Một lãng phí khác tại Cà Mau liên quan tới sử dụng đất công. Cụ thể, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Cà Mau được giao 18 khu đất công (từng làm trụ sở, cơ quan nhà nước, chợ…) để tổ chức đấu giá, với tổng diện tích hơn 14ha. Tuy nhiên, sau nhiều năm nhiều khu đất bỏ hoang.
Qua thực tế triển khai dự án bệnh viện hơn 3.300 tỷ đồng của Cà Mau 4 năm qua, rất khó để trả lời câu hỏi bao giờ bệnh viện này có thể hoàn thành, còn bác sĩ và người dân ở vùng cuối dải đất chữ S vẫn phải chờ đợi.