'Đi chợ hộ' xuyên tỉnh , lãi được tình cảm

0:00 / 0:00
0:00
Hai chị em chị Ngọc Trâm đóng hàng thực phẩm để gửi cho người dân Đà Nẵng. Cá thịt lấy trong ngày, được ướp đá để giữ độ tươi ngon
Hai chị em chị Ngọc Trâm đóng hàng thực phẩm để gửi cho người dân Đà Nẵng. Cá thịt lấy trong ngày, được ướp đá để giữ độ tươi ngon
TP - Những thùng hàng đầy ắp thịt, cá, rau, củ tươi xanh mỗi ngày theo xe từ Quảng Nam ra Đà Nẵng, tới tận từng nhà, từng chốt kiểm soát. Nhà nhà chỉ việc “ở yên”, có thực phẩm đủ dùng cho một vài tuần.

Mọi việc lựa hàng, trả giá, đóng thùng… đã có những người đi chợ hộ ở Quảng Nam lo. Từ khi Đà Nẵng phong tỏa cứng đến nay, họ đã đi chợ cho không biết bao nhiêu gia đình, bằng cái tâm của mình.

Những đơn hàng “đọc xong tỉnh ngủ”

“Của chị một con vịt, một con gà, một cái giò heo, nửa ký tôm, nửa ký lươn, ký bún khô, chai dầu phụng…Rau củ quả em nhận mua giúp thêm nữa. Chợ quê em không thiếu thứ chi hết, còn rẻ nữa”.

Nửa đêm, anh Dương Hiển Tuấn (25 tuổi, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vẫn tận tình trả lời từng đơn một cho người dân ở Đà Nẵng. Anh Tuấn trước kia làm bếp cho một nhà hàng trên đường 2/9 (quận Hải Châu, Đà Nẵng), dịch ập tới, anh phải nghỉ việc về quê. Ở nhà tránh dịch, anh gom gà, vịt, tôm bán online.

“Bữa đó có một chị làm cùng chỗ với mình hồi trước đặt mua, rồi nhờ mình mua giúp thêm vài thứ nữa. Nhận hàng xong chị thấy ưng quá nên giới thiệu cho nhiều người. Mình bắt đầu nhận đơn đi chợ hộ từ đó”, anh Tuấn nhớ lại.

'Đi chợ hộ' xuyên tỉnh , lãi được tình cảm ảnh 1

Những thùng thực phẩm sẽ theo xe luồng xanh đến từng nhà, từng chốt kiểm soát gần nhà dân nhất

Anh gửi sang mấy đơn hàng, tôi đếm có đơn hơn…bốn chục món. Có món vài ngàn, có món nửa ký, hình dung trong đầu đơn này gửi vào siêu thị, nhân viên đi từng kệ lấy xuống thôi cũng đủ...rạc chân. Vậy mà anh vẫn tếu táo, bảo khách gửi đơn muộn, sáng dậy mở ra đọc tỉnh cả ngủ.

Hồi đầu mới nhận đi chợ hộ cho bà con, anh cũng lo không biết có kham nổi không. Nhưng là dân bếp, siêng năng, sau mấy bữa là anh “cân” được hết. Từ 3 giờ sáng, vợ chồng anh đã lật đật dậy đi chợ. Tới càng sớm mua hàng càng tươi ngon. Nhiều bữa ôm tới cả chục cái đơn, mỗi đơn vài chục món, vợ chồng anh quần nát chợ. Về chưa đủ, phải điện thêm chỗ này nài thêm chỗ khác. Đồ chuẩn bị xong, lại hì hụi đóng vào thùng xốp. Cá thịt tươi ở dưới rải lên một lớp đá, rau, củ, đồ khô bỏ ở trên. Chừng nửa buổi sáng, những thùng hàng được bốc lên xe tải, thẳng tiến ra Đà Nẵng.

Cũng như anh, chị Thảo Liên (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) “bén duyên” với việc đi chợ hộ rất tình cờ. Trong một lần gửi thịt ra Đà Nẵng, chị mua giúp thêm rất nhiều đồ người dân gửi. Bà con thấy tiện quá, nên từ đó đặt hàng đủ thứ, từ mớ rau sống, nhúm ớt xanh cho tới gà, vịt. Để có hàng tươi ngon, từ 2h sáng, nhà chị đã phải chạy xuống cánh biển Thăng Bình mua cá tôm, rồi ngược về lò mổ gom thịt heo, thịt bò… Rau, củ, quả trong vườn nhà trồng được gì bán nấy, thiếu thì mua thêm.

Giá “chợ quê”

Chị Liên kể, những ngày Đà Nẵng “phong thành”, lên mạng thấy người dân kêu ca mua thực phẩm rất khó. Có nơi đặt suốt mấy hôm không mua được. Có nơi chỉ được vài món. “Mình còn xem rất nhiều gói các cửa hàng thực phẩm bán cho bà con, đắt quá trời luôn. Dịch làm không ra mà tiền ăn ngất ngưởng rứa chịu chi được!”, chị xót xa. Vậy là chị gắng đi gom đồ thật ngon, với giá “chợ quê” đúng nghĩa. Những hôm bà con đặt cá nhiều, chị mua sỉ được giá tốt, trong bụng cũng sướng rơn vì bà con sẽ bớt được chút ít.

“Cháy” thùng xốp đóng hàng

Ngày càng nhiều gia đình ở Đà Nẵng nhờ người dân Quảng Nam đi chợ hộ, thùng xốp đóng hàng cũng khan hiếm theo. Ngày thường, các loại thùng xốp chưa tới 50 ngàn đồng, hiện tại loại to có thời điểm lên tới 100 ngàn đồng. Những người đi chợ hộ cho hay thùng xốp “cháy hàng”, phải “săn” liên tục mới mua được.

Gà quê thả vườn, vịt đồng 150 ngàn/con, thịt mông 120 ngàn/ký, ba chỉ 150 ngàn, giò sau 90 ngàn, bò bắp 240 ngàn, rau từ 6-8 ngàn mỗi bó, nhãn 25 ngàn/kg, chuối lùn 17 ngàn/kg…Đây là giá cả các mặt hàng mà chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm (xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) mua hộ cho người dân Đà Nẵng.

Ai xem qua bảng giá cũng phải “dụi mắt” vài lần vì giá quá “dễ thương”. Chị Trâm lý giải, đồ ở quê vốn rẻ hơn thành phố, nên đi chợ hộ cho bà con cũng phải đặt tiêu chí rẻ lên hàng đầu. Từ ngày đi chợ hộ đến nay, chị thấu hết nỗi lòng của bà con. Ai cũng mong được ăn đồ tươi, đồ quê, vì vừa rẻ lại vừa ngon, nhưng lại ngại các chi phí phát sinh.

Ví như chuyện phí vận chuyển. Tài xế để được hoạt động trong luồng này bỏ rất nhiều chi phí để đăng ký, xét nghiệm. Cộng với thời gian chờ đợi qua chốt, bốc vác suốt ngày nên chi phí cước hàng cũng khá cao. Mỗi thùng dao động từ 100-150 ngàn. Biết vậy, anh Dương Hiển Tuấn thường “săn” chuyến xe 0 đồng để bà con đỡ phí, có hôm lại phải “đàm phán” với nhà xe bớt đi ít chục coi như hỗ trợ người dân trong đại dịch.

Lãi được tình cảm

Nhận thùng hàng sau một ngày đặt đồ, bà Nguyễn Thị Hồng (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bất ngờ vì đơn hàng gần 30 món của mình chẳng thiếu thứ gì. Từ nắm hành lá cho tới gà, vịt, cá, tôm. Bà thích nhất mớ lươn đồng, đã rất lâu, không ra chợ được, không biết cách nào có lươn đồng cho cháu nội. Hàng xóm của bà cũng nhờ những bạn trẻ ở Quảng Nam đi chợ hộ.

Khui thùng hàng ra ai cũng tấm tắc vì những món hàng rặt quê. Nải chuối đốm đen, quả ổi nám vỏ, miếng thịt dày da, con gà chân nhỏ…Ngần ấy đồ ăn đủ cho mỗi gia đình cả một vài tuần. Lúc chia tiền cước vận chuyển, mỗi nhà chỉ có 70 ngàn đồng, bà Hồng ồ lên: “Trời ơi, có bảy chục ngàn mà người ta mua cho mình đủ thứ, soạn ra y cái tạp hóa. Có trả thêm tiền công mua cho họ tui cũng ưng cái bụng!”.

Những lời khen ấy gửi vào tin nhắn, hay chỉ một vài tấm ảnh chụp bữa cơm ngon của bà con “feedback” cũng khiến những người đi chợ hộ ấm lòng. Chị Trâm chia sẻ, thấy bà con ưng ý khi nhận được hàng, còn khen ngon, rẻ là biết việc mình đang làm có ý nghĩa rồi. Chị cũng thật thà, đi chợ hộ, nói không có lãi là không đúng, nhưng tiền lãi đó chẳng là gì so với công sức bỏ ra cả.

“Chị có tin không, mỗi bó rau mình lãi chỉ một, hai ngàn, củ mỗi ký 3 ngàn. Mà có đơn đặt toàn nửa ký. Còn đồ khô thì mua giúp không lấy đồng nào. Cá thịt giá cũng sát sàn luôn. Mình làm bằng tâm nguyện giúp bà con là chính. Người ta ăn được bữa cơm ngon lành, bớt nặng tiền nong, người ta cám ơn và thương mình. Như vậy là mình đã lãi được tình cảm rồi!”, chị trải lòng.'

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.