Cà phê ở phố Trịnh
Người dân phản ứng việc dựng gian hàng cố định là một trong số lí do khiến phố đi bộ Trịnh Công Sơn hoãn khai trương tới tháng 10. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nói, một số khâu chuẩn bị khác về cơ sở vật chất còn cấp tập, chưa hoàn thiện.
“Việc dựng ki ốt cố định dễ tạo thành không gian văn hoá giống với phố cổ Hội An hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy cách làm đó ảnh hưởng tới cư dân xung quanh nên yêu cầu tháo dỡ ngay”, ông Khuyến nói. Các gian hàng sau khi tháo dỡ được cất kho làm nhà cất giữ hoặc biến thành nhà điều hành ở các chốt. Nhà tổ chức quyết định dựng các ki ốt lưu động chỉ mất thời gian tháo dỡ chừng 20 phút.
Bỏ qua khúc mắc đáng tiếc này, phố đi bộ Trịnh Công Sơn hứa hẹn trở thành điểm đến thú vị khác của Hà Nội. Sau quận Hoàn Kiếm, quận Tây Hồ ấp ủ dự án phố đi bộ này theo từng bước. Trước mắt, BTC chọn phố Trịnh Công Sơn, vườn hoa và hai hồ nước tiếp giáp con phố này. Xa hơn, phố đi bộ sẽ “ăn” vào khu sân bóng, nhà văn hoá phường Nhật Tân, thậm chí giai đoạn tiếp còn tham vọng mở rộng ra bến thuỷ nội địa và vườn sen Quảng An.
Khoảng 100 gian hàng trong đó ẩm thực chỉ chiếm 20-30%, ông Nguyễn Đình Khuyến chia sẻ, đặc sản Hà Nội như xôi Phú Thượng, bún ốc, bánh tôm Hồ Tây và một số làng nghề khác tập trung về đây. Tuy nhiên, BTC xác định ẩm thực ở mức vừa phải sao cho đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả. Chẳng hạn khách tản bộ tạt vào cà phê vỉa hè ở đây với mức giá 10-20 nghìn đồng. Điều các nhà tổ chức ở đây dự định nhiều hơn là không gian nghệ thuật. Sân khấu rộng chừng 2.000m2 sẽ được dành cho biểu diễn nghệ thuật truyền thống, đặc biệt nhạc Trịnh tại không gian gắn với nhạc sỹ tài hoa họ Trịnh.
Cần hấp dẫn hơn...
“Tôi cho rằng nên mở rộng, có lẽ mỗi quận ít nhất phải có một không gian đi bộ. Thành phố đông cư dân như Hà Nội rất cần có những không gian như thế. Chúng ta phải tạo được các cực hấp dẫn mới và mỗi nơi một vẻ, không chỉ có trung tâm là khu Hồ Gươm. Bởi có những khu vực như Mỹ Đình, Đông Anh chẳng lẽ cũng “chui” lên Hồ Gươm”, KTS Hoàng Thúc Hào nói. Đây cũng là quan điểm chung của nhiều nhà kiến trúc.
“Thời đại này người ta chịu nhiều áp lực cho nên rất cần những không gian như phố đi bộ. Trẻ con thiếu chỗ chơi, người già thiếu chỗ nghỉ ngơi trò chuyện. Chúng ta có quá nhiều không gian mua sắm rồi, nhưng không gian phi thương mại thì chưa nhiều. Phố đi bộ đáp ứng được nhu cầu thư giãn đó, nhưng khu Hồ Gươm hiện nay ngột ngạt quá”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nói.
Theo đánh giá của KTS Đoàn Kỳ Thanh, không gian đi bộ kiến tạo không gian cho cộng đồng, kết nối với cộng đồng xung quanh. Với tư cách người tham gia thiết kế không gian ở phố Trịnh Công Sơn, KTS Đoàn Kỳ Thanh nhắc tới những lợi thế ở không gian này như tên con đường gắn với danh nhân-lại rất hợp nếu duy trì được sân khấu nhạc Trịnh- không gian quảng trường và hồ nước, đặc biệt kết nối với công viên nước Hồ Tây, đường ven hồ. Tuy nhiên, KTS Hoàng Thúc Hào cũng lưu ý xử lý cảnh quan không gian đó để phát huy địa điểm, giải quyết các vấn đề liên quan rác thải.
Những người quan tâm tới kiến tạo không gian sinh hoạt cộng đồng đều cho rằng ý tưởng cần được ủng hộ, tuy nhiên muốn hoạt động hiệu quả lại cần các điều kiện về dịch vụ đi kèm và đặc biệt nội dung thay vì chỉ có cái vỏ.
“Người ta đến đây đương nhiên phải có hàng quán dịch vụ, hoạt động văn hóa vui chơi giải trí, bằng không họ chỉ cần đi bộ loanh quanh ao nhà họ”, KTS. Hoàng Thúc Hào nói. KTS. Đoàn Kỳ Thanh cũng nhấn mạnh muốn không gian sinh hoạt chung thành công, chưa nên nghĩ tới lợi nhuận trước mắt.
Ông Nguyễn Đình Khuyến chia sẻ, quận chưa đặt nặng lợi nhuận: Giá thuê một quầy hàng lưu động khoảng 1,5 triệu/tháng. Ông trăn trở nhiều hơn ở việc tạo ra và phát huy không gian nghệ thuật, đặc biệt là duy trì được sân khấu nhạc Trịnh. Trước mắt quận bỏ toàn bộ kinh phí cho các hoạt động ở đây, nhưng về lâu dài ông Khuyến mong nhận được sự hợp tác của các cá nhân, tổ chức có thế mạnh về tổ chức biểu diễn. Ông nói từng tham quan Đà Lạt và nhận ra chỉ có tổ chức tư nhân mới có thể duy trì được hoạt động đó. Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng, khu phố đi bộ mở ra cơ hội cho nhiều loại hình nghệ thuật đường phố có đất dụng võ, thực tế có nhiều loại hình hiện nay vẫn phải tràn ra vỉa hè rất nguy hiểm.
Người dân phải được hưởng lợi
Dân ở khu phố Trịnh Công Sơn phản đối việc dựng quầy hàng cố định là đương nhiên: Nó không chỉ tác động trực tiếp tới đời sống thường ngày của họ, xa hơn nhiều người lo ngại khu vực này sớm thành chợ cóc, đi xa mục đích tốt ban đầu. “Các nhà tổ chức nghĩ ra các hoạt động, dịch vụ phù hợp miễn sao việc đầu tiên phải để người dân tại chỗ được hưởng lợi”, KTS Hoàng Thúc Hào nói. Đây cũng là điều được nhiều nhà chuyên môn góp ý với những người thực hiện. Về các gian hàng tại không gian đi bộ, ông Nguyễn Đình Khuyến nói cần xét duyệt tiêu chí các gian hàng khắt khe nhất.