Thắp sáng ước mơ từ đồ bỏ đi
Huỳnh Quốc Tuấn (sinh năm 1994) hiện là sinh viên năm cuối Đại học Hutech TP HCM. Tuấn cho biết, từ nhỏ, anh đã thích một mình mày mò, tận dụng những đồ bỏ đi trong nhà để sáng tạo ra những vật dụng hữu ích. Những bóng đèn hỏng hay chiếc hộp bỏ đi của mẹ đều thu hút anh.
“Năm học lớp 5, mình đã tự tay làm thiệp và ngôi nhà bằng chiếc hộp cũ bỏ đi. Dù sản phẩm đầu tiên chưa đẹp nhưng đó là kỉ niệm đáng nhớ của mình”, Tuấn nói.
Thời học sinh, Tuấn thường làm những món quà, vật dụng dễ thương tặng các bạn trong lớp. Đó là chiếc bút chì khắc hình con thú, hộp phát sáng, tấm thiệp 3D…
Trải qua thời gian, niềm đam mê của Tuấn cứ lớn dần theo năm tháng. Để thỏa sức sáng tạo, anh quyết tâm thi vào khoa Thiết kế Nội thất của Đại học Hutech TP HCM.
Tiết kiệm tiền mua xe đạp cũ làm bàn ghế
Gần đây, Đại học Hutech TP HCM phát động cuộc thi kiến tạo không gian xanh nhằm bảo vệ môi trường. Chàng trai 9X cho biết: "Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nên mình quyết định tham gia. Sản phẩm dự thi của mình cũng được sử dụng để làm bài tập cuối khóa".
Trong buổi chiều tan trường, Tuấn tình cờ bắt gặp nhóm nữ sinh cấp 3 mặc áo dài dắt xe đạp. Những hoài niệm về một thời cắp sách đến trường khiến chàng sinh viên thiết kế nảy ý tưởng: Làm bàn ghế bằng xe đạp cũ.
Tuấn về nhà tìm kiếm xe đạp cũ của mình, nhưng có một chiếc chưa đủ. Sau vài ngày “săn lùng”, anh mua được 2 chiếc xe đạp cũ.
Tuấn tâm sự: “Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ. Dù đã tính toán kỹ, nhưng không ít lần mình làm sai và phải thực hiện lại. Bên cạnh đó, mình phải đi tìm mua thêm vật dụng để hoàn thành sản phẩm”.
Hơn 2 tuần, anh rong ruổi trên mọi ngóc ngách của thành phố, tìm mua xe đạp cũ giá rẻ bằng tiền tiết kiệm lâu nay. Dù tốn khá nhiều công sức và tiền bạc nhưng Tuấn cảm thấy rất hạnh phúc khi sản phẩm của mình dần hoàn thành.
Sản phẩm của anh ra đời không những được bạn bè khen ngới, mà còn được nhiều thầy cô trong trường đánh giá tốt, mang tính ứng dụng cao.
Mong muốn trở thành nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp
Tuấn tâm sự: "Trong ngành thiết kế, mình chỉ là chàng sinh viên với vốn kiến thức ít ỏi. Trong thời gian tới, mình mong muốn được đi khắp nơi trên thế giới để học hỏi và hoàn thiện bản thân”.
Ngoài niềm đam mê, sở thích biến đồ tái chế thành đồ mới, Tuấn còn dành tình yêu cho thể thao, du lịch, nhiếp ảnh và đặc biệt là vẽ tranh.
Tuấn thường vẽ tranh chì, màu nước, lụa… và đặc biệt “tranh đốt”, loại tranh do Tuấn tự tìm ra.
“Mình tìm ra tranh đốt trong một lần mày mò tập khắc hình lên gỗ. Mình lấy những mảnh vụn của gỗ để đốt giấy thì phát hiện có thể tạo hình từ những vết nám đó. Sau gần nửa năm tìm tòi, mình đã sử dụng thuần thục các kĩ năng để vẽ tranh đốt”, Tuấn chia sẻ.
Theo chàng trai sinh năm 1994, tranh đốt được vẽ trên giấy, bằng bút lửa (một loại bút do Tuấn sáng tạo ra). Loại tranh này đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao, chỉ cần sơ xuất hoặc không tập trung, tranh rất dễ bị cháy.
Tính đến nay, số lượng tranh vẽ của Tuấn đã lên tới hàng trăm bức, nhưng anh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mang đi dự thi. Chàng trai Sài Thành cho hay, anh vẽ tranh chỉ vì đam mê và sở thích của bản thân.
Sản phẩm của Tuấn có tên “Thời gian”, kết cấu như sau:
Phần dưới mặt bàn là elip (phần bánh sau của xe đạp)...
Mặt bàn có tấm kính phía trên và vòng gỗ bao phía ngoài để bảo vệ.
Chân bàn làm bằng vành xe honda kết nối với những ống sắt tròn nhỏ, hàn với elip để tạo độ vững chắc cho chân bàn.
- Chi tiết bộ phận của ghế
Mặt ghế ngồi làm bằng vành xe máy, phía trên được gắn đệm.
Chân ghế được làm từ bốn ống sắt tròn nhỏ với hình dáng cong hài hòa. Ngoài ra, hai bên thành ghế được nối lại thành chỗ dựa vững chắc.
Phía dưới chân ghế làm bằng vành xe máy để tạo độ vững hơn khi ngồi.