'Đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số'

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Sài Gòn giải phóng
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Sài Gòn giải phóng
TPO - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam xác định tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Ngày 30/10, tại TPHCM, UBND TPHCM và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức hội nghị kiều bào đóng góp, hiến kế về chuyển đổi số và khắc phục tác động của dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam xác định tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh. Với tầm nhìn này, Việt Nam coi chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

 Theo Phó Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong đại dịch COVID-19, Việt Nam không chỉ trở thành quốc gia thành công nhất trong việc khống chế và đẩy lùi đại dịch, mà còn tận dụng tốt cơ hội này để triển khai chuyển đổi số quốc gia.

“Giai đoạn vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động khối cơ quan chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Các doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng công nghệ, thay đổi cách thức, mô hình hoạt động để thích ứng và phát triển. Đã có gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ các cơ quan chức năng” – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu.

Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, tư duy. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển. Thể chế là động lực của chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị nguồn nhân lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số, không ai bị bỏ lại phía sau…

'Đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số' ảnh 1 TS Nguyễn Hữu Lệ, kiều bào Úc chia sẻ kinh nghiệm

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM cho rằng, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp TPHCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới.

Hiện, chương trình Chuyển đổi số của TPHCM đã đề ra một số chỉ tiêu, cụ thể là đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu thành phố; kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%; hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh

Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.

"Vì sao nhiều "đại bàng" tới Singapore mà ít đến Việt Nam?", TS Nguyễn Quang Trung, chuyên gia về chuyển đổi số của Mạng lưới Vni ở miền Nam, Trưởng khoa Quản trị ĐH RMIT TPHCM cho rằng, một trong những lý do là xếp hạng chính phủ điện tử.

“Nếu thứ hạng chính phủ điện tử của Việt Nam từ 86 xuống tới 25 thì môi trường kinh doanh sẽ đón "đại bàng" dễ dàng hơn” – ông Trung chia sẻ.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẻ về các Ứng dụng thử nghiệm các công trình mới cho các xu hướng và nhu cầu mới do dịch COVID-19; Ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng – doanh nghiệp; chuyển đổi số và xu hướng số hóa…

MỚI - NÓNG