Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT:

Đến lúc 'mở đường' để nông nghiệp làm ăn lớn

Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định đang có nhiều vướng mắc cản trở sự phát triển của nông nghiệp
Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định đang có nhiều vướng mắc cản trở sự phát triển của nông nghiệp
TPO - Trao đổi với PV Tiền Phong, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, mô hình giao khoán ruộng về hộ gia đình trong giai đoạn đổi mới đã hoàn thanh sứ mệnh lịch sử, đã đến lúc Nhà nước cần mạnh dạn gỡ bỏ những rào cản để tạo ra động lực mới cho sự phát triển của kinh tế nông nghiệp Việt Nam.

PV: Hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT tiến hành nghiên cứu, rà soát, trình phương án chỉnh sửa Luật Đất đai theo hướng bỏ hạn điền để tích luỹ đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hiện đại. Ông đánh giá thế nào về chủ trương này?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Theo đánh của tôi, đây là một chủ trương đắn và kịp thời, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay, việc phát triển nông nghiệp quy mô lớn ở nước ta đang gặp phải hai vấn đề tạo ra ách tắc lớn là giới hạn về hạn điền và thời hạn giao đất.

Thực ra, từ năm 1993 cho đến nay, Nhà nước đã có những điều chỉnh về hạn điền. Cụ thể, năm 1993, diện tích hạn điền trồng cây hàng năm ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu long (ĐBSCL) là 3ha/hộ gia đình, với ngoài vùng ĐBSCL là 2 ha/hộ gia đình. Với đất trồng cây lâu năm vùng đồng bằng cao nhất 10ha, còn vùng miền núi không quá 30ha. Đến năm 2003, Quốc hội cho phép tăng hạn điền lên gấp đôi, đến năm 2013 được nới rộng tăng không quá 10 lần. Về thời hạn giao đất, từ năm 2013, thời hạn giao đất nông nghiệp đã được điều chỉnh lên 50 năm nhưng về cơ bản vẫn còn tư duy muốn giữ lại hạn điền và thời hạn giao đất.

Trước khi xem xét điều chỉnh Luật đất đai vào năm 2003, chúng ta bắt đầu có ý thức xem xét lại vấn đề hạn điền và thời hạn giao đất. Tại Hội nghị Trung ương 7 - Khóa IX, đã đưa ra biểu quyết xem xét xóa bỏ thời hạn giao đất, nhưng khi bỏ phiếu thông qua thì phiếu ủng hộ và không ủng hộ cân bằng 50 – 50, nên trong Nghị quyết đã nêu rõ không xem xét thời hạn mà giữ nguyên như Luật Đất đai 1993.

Những hạn chế hạn điền và thời hạn cản trở việc phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn được nhìn ra từ rất sớm, nhưng trong giai đoạn 2003 – 2013 vẫn tồn tại tâm lý ngại thay đổi, bởi có luồng ý kiến lo ngại xuất hiện hình thức địa chủ thu tô mới. Tuy nhiên, thực tiễn chứng minh, sẽ không xuất hiện hình thức địa chủ mới như lo ngại, bởi giờ chẳng hộ nông dân nào muốn đầu tư cho nông nghiệp, vì nông nghiệp phải đầu tư lớn và lãi thì thu rất chậm. Mặt khác, lực lượng sản xuất nông nghiệp đang có sự thay đổi mạnh mẽ, khi một bộ phận đã dịch chuyển sang sản xuất phi nông nghiệp, dẫn đến nhiều diện tích đất bị bỏ hoang ở những địa phương vốn có thế mạnh nông nghiệp như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên…gây lãng phí lớn.

Việc xem xét xoá bỏ hạn điền và thời hạn giao đất sẽ tạo ra tác động thế nào đến sự phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam, thưa ông?

Xét ở nhiều khía cạnh, việc giao khoán đất cho hộ gia đình sau Đại hội VI - 1986 đã tạo ra động lực lớn cho sản xuất nông nghiệp trong nước, người dân hăng say hơn trong việc tăng năng xuất lao động. Nhưng hiện nay việc giao khoán đã bộc lộ nhiều hạn chế, sứ mệnh giao khoán đã hoàn thành thì Nhà nước cần mạnh dạn xem xét điều chỉnh nếu muốn tạo ra động lực mới cho sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp.

Đến lúc 'mở đường' để nông nghiệp làm ăn lớn ảnh 1

Nhiều tập đoàn kinh tế sẵn sàng đầu tư quy mô lớn phát triển nông nghiệp công nghệ cao khi những rào cản được dỡ bỏ

Vì sao phải đặt vấn đề xem xét xóa bỏ hạn điền và thời hạn giao đất nông nghiệp?

Thứ nhất, giới hạn về thời gian giao đất sẽ làm hạn chế, thậm chí giảm tư duy đầu tư cho nông nghiệp của hộ gia đình, hợp tác xã và cả doanh nghiệp. Đầu tư cho nông nghiệp thường rất tốn kém và phải có thời gian dài để thu hồi vốn, trước khi có lợi nhuận. Tuy nhiên, việc giới hạn về thời gia sẽ dẫn đến tâm lý ngại đầu tư dài hạn, bởi người dân, HTX, doanh nghiệp họ cảm thấy bấp bênh. Chúng ta sẽ không bao giờ có được một nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại, không bao giờ có những sản phẩm nông sản giá trị cao nếu thiếu chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư. Không phát triển được kinh tế nông nghiệp là sự lãng phí lớn, bởi chúng ta sở hữu những điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, trong khi nhiều nước khác không có quỹ đất phát triển họ vẫn trở thành quốc gia nông nghiệp công nghệ cao như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Israel….

Thứ hai, để phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại quy mô lớn bắt buộc phải có những cánh đồng mẫu lớn để trồng cây, chăn nuôi theo quy hoạch đã được nghiên cứu và phê duyệt. Giới hạn về hạn điền sẽ vô hình tạo ra rào cản, kìm hãm các tập đoàn kinh tế hùng mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, bởi họ không thể tạo ra được những vùng chuyên canh quy mô lớn khi vẫn còn điền, thửa nhỏ lẻ, manh mún đang tồn tại hiện nay.

Thời gian qua, một vài địa phương như Lâm Đồng, Hà Nam, Vĩnh Phúc đã triển khai một số thử nghiệm về tích tụ rộng đất, ví dụ như UBND tỉnh Hà Nam tiến hành thuê lại đất của người dân với giá cao hơn lợi nhuận người dân tự sản xuất, rồi giao cho cac doanh nghiệp triển khai sản xuất nông nghiệp sạch quy mô lớn. Ông đánh giá thế nào về những thử nghiệm mô hình tích tụ ruộng đất đang được thử nghiệm?

Trong bối cảnh Luật Đất đai còn nhiều vướng mắc chưa được gỡ bỏ, việc có địa phương dám “xé rào” để thu hút các tập đoàn kinh tế vào đầu tư là rất đáng quý và đáng khen ngợi. Bởi phải có những đơn vị mạnh dạn đi đầu mới chứng minh được tính hiệu quả của mô hình sản xuất mới, đó cũng là cơ sở để Nhà nước mạnh dạn giao cho các Bộ,ngành liên quan xem xét điều chỉnh. Cũng giống như việc Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc từng mạnh dạn khoán “chui”, để rồi tạo ra “đòn bẩy” sau Đại hội VI – 1986.

Qua tìm hiểu, tôi được biết hiện có một số mô hình hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp, còn chính quyền đóng vai trò trung gian điều tiết lợi ích giữa người dân và doanh nghiêp. Trong đó, nổi bật là hình thức nông dân bắt tay với doanh nghiệp phá bỏ bờ, tạo ra cánh đồng lớn rồi trồng theo quy hoạch, con giống, chăm sóc theo quy trình của doanh nghiệp đưa ra, rồi doanh nghiệp sẽ làm nhiệm vụ bao tiêu đầu ra, hoặc như việc chính quyền đứng ra thuê đất giá cao hơn lãi suất trồng trọt để giao cho doanh nghiệp như mô hình Hà Nam đang triển khai. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời trong tình thế rào cản chưa được dỡ bỏ, còn muốn phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững theo hướng hiện đại thì Nhà nươc phải sớm xem xét điều chỉnh Luật Đất đai, tạo bước đột phá trong nông nghiệp.

Theo ông, thời điểm này đã thực sự chín muồi để xem xét nghiêm túc việc xoá bỏ hạn điều và thời hạn giao đất?

Theo tôi đây là thời điểm rất thuận lợi để Nhà nước và các Bộ, ngành xem xét nghiêm túc việc xoá bỏ hạn điền và thời hạn. Việc xem xét phù hợp với nhu cầu phát triển thực tiễn. Việc một số địa phương đã và đang thí điểm thành công mô hình sản xuất mới là cơ sở quan trọng để Nhà nước mạnh dạn chỉ đạo nghiên cứu, xem xét gỡ bỏ rào cản đang tồn tại. Đã đến lúc cần phân tích kỹ lưỡng các điều kiện về khoa học, kinh tế, xã hội để tạo ra sự thay đổi căn bản, tạo ra bước ngoặt, tạo động lực mới phát triển kinh tế nông nghiệp cho toàn xã hội.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần giao cho Bộ NN&PTNN xem xét lại quy hoạch sử dụng đất theo hướng giảm diện tích đất trồng lúa để chuyển sang hình thức sử dụng khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân. Năm 2015 – 2016, xuất khẩu gạo không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao do chúng ta không có gạo chất lượng cao nên giá xuất khẩu rất rẻ. Vì vậy, ta cần xem xét lại quy hoạch để giữ lại 3- 4 triệu ha đất trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực. Những diện tích còn lại cần lập quy hoạch, xây dựng những vùng chuyên canh rau, củ, quả đặc sản như một số mô hình đã triển khai tại Lâm Đồng và các tỉnh ĐBSCL.

Ông có kiến nghị gì với Chính phủ trong quá trình nghiên cứu xem xét việc xóa bỏ hạn điền và thời hạn?

Sứ mệnh lịch sử giao khoán đất về hộ gia đình đã hoàn thành, kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam cần một động lực mới để phát triển theo kịp trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại. Kinh tế nông nghiệp sẽ không thể phát triển theo quy mô lớn và hiện đại nếu những rào cản hạn điền và thời gian đầu tư không được dỡ bỏ kịp thời.

Tôi đã tham dự nhiều cuộc hội thảo về đầu tư nông nghiệp do các tập đoàn kinh tế lớn tổ chức. Qua trao đổi, nhiều doanh nghiệp họ sẵn sàng đầu tư nhiều chục tỷ USD cho nông nghiệp nếu họ có qũy thời gian đủ cho việc đầu tư dài hơi, đồng thời có một hành lang pháp lý an toàn và bền vững cho doanh nghiệp phát triển. Đây là thời điểm rất thuận lợi, Thủ tướng Chính phủ cần mạnh dạn giao cho Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ triệt để những rào cản đang tồn tại trong thời gian sớm nhất. Khi rào cản về hạn mức và thời hạn được tháo gỡ, tôi tin ngay lập tức sẽ tạo ra động lực lớn cho sự phát triển của toàn xã hội.

Để người dân và doanh nghiệp duy trì mối quan hệ hợp tác, chia sẻ lợi ích lâu dài – bền vững. Nhà nước cần tạo ra cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi thuế, đất đai, nguồn vốn để thu hút doanh nghiệp đổ tiền đầu tư. Nhà nước không cần can thiệp quá sâu vào mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người dân.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG