Xế chiều 31/12/2020, chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (đóng tại xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An). Nhiệt độ xuống 3 độ C, lạnh cắt da cắt thịt. Nằm bên sườn đồi, Đồn biên phòng lọt thỏm trong sương mù dày đặc. Trung tá Nguyễn Hồng Đức, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, đồng ý cho chúng tôi vào chốt 3 (chốt phòng chống dịch COVID-19) tác nghiệp.
“Ở đây 3 độ C nhưng buổi tối ở trong chốt sẽ xuống 0 độ C, thậm chí xuống âm 1 độ C. Nếu phóng viên không chịu được rét thì nói anh em đưa ra đây nghỉ ngơi nhé”, anh nói. Trời bắt đầu nhá nhem, gió rừng buốt lạnh phả từng đợt khiến chúng tôi run cầm cập.
Cùng Đại úy Ngô Quang Hiếu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, đi bộ vào chốt 3. “Đây là chốt gần nhất, cách đồn khoảng 1,5km, chúng ta cũng phải đi nhanh vì đường khó đi, nếu trời tối sẽ rất vất vả”, Đại úy Hiếu nói. Chia sẻ về gia đình mình, anh Hiếu không giấu nổi nỗi nhớ. Vợ anh làm giáo viên, con gái đã 4 tuổi, vì nhiệm vụ nên hơn 4 tháng nay, anh chưa về thăm nhà.
“Nhiều lúc gọi về cho con gái, con cứ hỏi ‘bố khi nào về với con, con nhớ bố’, khi con ốm thì hay làm nũng đòi bố về bế. Nhớ con, thương vợ nhưng tình hình dịch COVID-19 đang phức tạp, đặc thù công việc cuối năm nên rất khó sắp xếp. Có lẽ tết này, chúng tôi ăn tết ở đây, cùng anh em kiên cường bám trụ bảo vệ đường biên, ưu ái những đồng chí cả năm chưa được về. May mắn, hậu phương là gia đình thân yêu luôn thấu hiểu”, Đại úy Hiếu tâm sự.
Qua nhiều ngọn đồi, rẽ rừng mà đi, chúng tôi tới chốt 3. Đón chúng tôi dưới dốc núi, Đại úy Nguyễn Cảnh Thảo, Chốt trưởng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, mỉm cười nói: “Anh em trong chốt vừa tuần tra về, tranh thủ chăm mấy luống rau, hôm nay chốt tiếp khách, rau luộc, rau xào, thêm món gà xáo là những món chủ đạo”. Bàn tay các chiến sỹ thoăn thoắt cuốc đất, nhặt cỏ, luống rau cải xanh mướt tốt tươi. Núi rừng hoang vu, bốn bề ngút ngàn hiu quạnh.
Theo Đại úy Thảo, chốt 3 được lập vào tháng 12/2019, trong chốt có 5 cán bộ, chiến sỹ tuần tra kiểm soát, chốt chặn 2,5km đường biên. Khu vực này có nhiều đường tiểu ngạch, đường mòn người dân bản Tiền Tiêu, bản Trường Sơn (xã Nậm Cắn) đi làm rẫy. Thời gian qua, các chiến sỹ phát hiện, bắt giữ nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép.
”Ở chốt bám biên, thời điểm đầu rất khó khăn như mùa hè nắng cháy da cháy thịt, mùa đông, lạnh tê tái, buốt thấu xương. Lúc cao điểm, anh em trực tuần tra 24/24 giờ, trên những tảng đá bên bờ suối hay lá chuối rừng cũng có thể ngủ ngon. Hiện Bộ chỉ huy dựng nhà bán kiên cố nên điều kiện công tác tốt hơn”, anh kể.
Bữa cơm tất niên bên đường biên
Trời về đêm, nhiệt độ xuống thấp, sương nặng hạt rơi lộp bộp trên mái chốt. Bếp lửa nổi lên, bập bùng trong giá lạnh. Các chiến sỹ trổ tài nấu ăn. “Anh em trong chốt ai cũng nấu ăn giỏi cả. Người nào nấu cũng đảm bảo thịt chín, canh sôi. Nhất là món rau luộc…”, Đại úy Lê Trung Thành đùa vui. Đang dội nước rửa rổ rau cải, Thiếu úy Lầu Bá Lông tiếp lời “kể tội”: “Có bữa anh Thành quá tay, đổ muối nhiều khiến anh em lè lưỡi. Anh Thảo ra “chữa cháy”, đổ nước sôi vào tràn cả nồi canh mà vẫn không hết mặn”. Nghe vậy, mọi người trong chốt cười sảng khoái.
Nậm Cắn những ngày cuối đông, dù đã lường trước đêm về giữa rừng hoang vu sẽ không dễ chịu nhưng chúng tôi không nghĩ lại khắc nghiệt đến thế. Mở nắp nồi ra, chúng tôi giật mình vì nồi thịt kho đã đông cứng váng trắng. “Nồi thịt mới nấu, lát nấu lại ăn tiếp, chứ chưa hỏng đâu”, anh Lông nói. Khoảng 30 phút sau, bữa cơm tất niên nơi miền biên viễn của chúng tôi bắt đầu.
Quây quần quanh mâm cơm với 4 món rau cùng gà xáo, thịt kho, cốc trà thay rượu, anh em tạm biệt năm cũ, chúc mừng năm mới. Là chiến sỹ trẻ, anh Lông (SN 1996, dân tộc Mông, quê ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn) được xem là em út trong chốt. Nhập ngũ tháng 3/2015, thời điểm dịch phức tạp, anh đã luân chuyển 2 chốt, tuần tra đường biên. Sinh ra ở miền núi, chiến sỹ trẻ này quá quen với việc trèo đèo, lội suối.
“Em còn trẻ nên luôn mong muốn cống hiến sức mình bảo vệ vững chắc biên giới. Có lúc nhớ nhà, nhớ người yêu nhưng nhiệm vụ là trên hết. Tết này em xin ở lại cho các anh ở xa về thăm nhà. Các anh không biết đâu, em gặp người yêu là lúc đi ném pao ngày tết đó. Từ Nậm Cắn sang xã Na Ngoi hàng chục cây số thế mà em được se duyên thế mới tài”, Thiếu úy Lông kể.
Nỗi nhớ hậu phương và nhiệm vụ tuyến đầu
Bữa cơm tất niên nhanh chóng kết thúc. Các chiến sỹ có 20 phút nghỉ ngơi, trò chuyện về gia đình. Mặc dù là đường biên nhưng vị trí của chốt 3 gần với trung tâm xã Nậm Cắn nên mọi người có thể gọi video xem hình qua mạng xã hội. Lấy điện thoại ra kết nối mạng 5G, Trung úy Hắp Văn Thoong gọi cho vợ. “Vợ nghe, chồng ơi”, chị Hà Thị Quyết (vợ anh Thoong) nói. “Vợ làm gì đó? Ăn cơm chưa? Bên đó có lạnh không?”, anh Thoong dồn dập hỏi thăm. Chị Quyết chưa kịp trả lời thì con trai 5 tuổi giành điện thoại mẹ nói chuyện với bố. “Bố ơi, khi nào bố về? Bố nhớ mua quà cho con nhé! Con ngoan lắm. Lúc nãy con tập đọc đó, bố à”…
Anh Thoong kể: “Vợ tôi làm giáo viên ở bên xã Nậm Càn, đó cũng là vùng biên giới. Tôi có hai con, cháu đầu 5 tuổi, cháu thứ hai 15 tháng. Do vợ đi dạy, tôi lại xa nhà nên gửi cháu thứ 2 cho bà ngoại chăm. Thỉnh thoảng về nhà thăm con được 3-5 ngày rồi đi. Con khóc, vợ nhớ nhưng với tinh thần, trách nhiệm của người bộ đội, chúng tôi phải hoàn thành nhiệm vụ. Cũng như anh em trong chốt, vợ tôi luôn hiểu và cảm thông cho chồng”.
Các chiến sỹ biên phòng luôn tâm niệm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là món quà vô bờ bến tặng hậu phương của mình. Trời đêm biên giới giá lạnh, 5 cán bộ, chiến sỹ chốt 3 lại tập hợp lên đường tuần tra.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn đã lập 6 chốt tuần tra phụ trách gần 30km đường biên. Thời gian qua, đồn phát hiện, xử lý 50 vụ với 77 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép; làm thủ tục nhập cảnh, đưa đi cách ly 2.982 người từ Lào về nước. “Kết quả trên đã được các cấp, ngành và nhân dân ghi nhận. Là động lực cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sỹ hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó”, Trung tá Trịnh Văn Quế, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, nói.