Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa sáng 1/4, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết đến nay chưa hạch toán biệt thự, sân tennis vào giá thành sản xuất điện.
Dưới góc độ khác, ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa) hóm hỉnh: “Cử tri cảm ơn UBTVQH vì đêm trước khi diễn ra chất vấn giá dầu đã giảm”.
Chưa hạch toán biệt thự vào giá điện
Câu hỏi của ĐB Huỳnh Nghĩa làm “nóng” phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương. Gần đây, dư luận cho rằng, việc tính chi phí giá thành sản xuất điện, bao gồm cả chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis, nhà ở cho công nhân ngành điện vào giá thành là không hợp lý.
Đã vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) còn vay nợ, đầu tư ra ngoài ngành không hiệu quả. “Ngành điện đầu tư ra ngoài ngành hơn 121 nghìn tỷ đồng, vậy khoản đầu tư này sẽ giải quyết ra sao, bao giờ EVN mới trả hết nợ vay?” – ĐB Nghĩa nêu câu hỏi.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận đúng là có một số dự án của ngành điện có xây biệt thự, sân tennis cho cán bộ sử dụng. Việc đầu tư ra ngoài ngành như dư luận phản ánh cũng có.
Năm 2013, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành điện lực từ 2011 về trước. Kiểm tra thực tế ban đầu tại một số dự án của Bộ Công Thương và theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Nhiệt điện Ô Môn 1, Nghi Sơn 1, Phú Mỹ 1, Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và Nhiệt điện Hải Phòng 1), chỉ một số dự án có một trong những hạng mục này.
Biệt thự, bể bơi, sân tennis cũng rất hạn chế, chỉ có ở công trình xa trung tâm, xây dựng với mục đích để phục vụ cho các chuyên gia. Sau khi hoàn thành dự án, công trình này được dùng phục vụ cán bộ, công nhân viên của ngành điện. Để thu hút, phục vụ chính cán bộ của ngành điện thì việc xây dựng một số công trình như vậy cũng là phù hợp.
“Trong 6 dự án mà Thanh tra Chính phủ đã nêu, chỉ có 1 dự án là Ô Môn 1 trong hạng mục khu nhà ở có xây dựng bể bơi, sân tennis. Nhưng đây là dự án do Chính phủ Nhật cho vay ưu đãi, có chuyên gia nước ngoài, nên ở giai đoạn đầu, việc xây dựng cơ sở thể thao phục vụ cho người nước ngoài là cần thiết, nhất là trong điều kiện địa điểm dự án ở xa nội thành Cần Thơ.
Trong 6 dự án, đến nay mới duy nhất có dự án Phú Mỹ 1 (không có hạng mục bể bơi, sân tennis) đưa chi phí khu nhà ở vào giá thành sản xuất (nhưng cũng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu, chỉ 1,3 - 3,7 tỷ đồng/năm). Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực tế đối với dự án này” - Ông Hoàng luận giải.
Tháng tư: Sẽ minh bạch giá điện
Trả lời vấn đề công khai, minh bạch giá điện, thực hiện thị trường điện cạnh tranh, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Thị trường phát điện cạnh tranh từ năm 2012 đã vận hành chính thức, đúng lộ trình.
Cho đến nay, 48 nhà máy điện đã tham gia vào thị trường, chào giá công khai, 5 tổng công ty điện lực có quyền lựa chọn để mua sản phẩm của những nhà máy có giá cạnh tranh. Bước thứ hai là sắp xếp, tái cơ cấu ngành điện, hình thành những doanh nghiệp hạch toán độc lập.
“Để minh bạch giá điện, tới đây chúng tôi sẽ ban hành Đề án nói rõ như thế nào là công khai, minh bạch; những nội dung gì cần công khai, minh bạch và trong điều kiện nào thì được tăng giá điện. Dự kiến trong tháng 4 sẽ ban hành quy định về công khai, minh bạch giá điện” - ông Hoàng nói.
Liên quan đến 121.790 tỷ đồng đầu tư ra ngoài, ông Hoàng cho biết, EVN chỉ đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán 1.997 tỷ đồng.
Tại Công văn số 442/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến: “Yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cân nhắc tính toán hiệu quả việc thực hiện lộ trình thoái vốn đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, không sơ hở để một số đối tượng trục lợi”.
Cử tri cảm ơn vì giá dầu giảm
Tại phiên chất vấn, Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) gửi lời cảm ơn của cử tri đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì trước phiên chất vấn “đêm qua giá dầu đã giảm”.
Quay sang Bộ trưởng Hoàng, ĐB Lê Nam cho biết: “Dư luận đặt dấu hỏi về 5.000 tấn mì chính Trung Quốc bán thấp hơn giá trong nước, liệu có bán phá giá hay không?”. Bộ trưởng Hoàng đáp, việc này đã giao Cục quản lý cạnh tranh thu thập tài liệu.
Nếu thấy biểu hiện hành vi bán phá giá sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng theo Bộ trưởng Hoàng, để chống hàng giả, chống buôn lậu, làm lành mạnh thị trường, riêng lực lượng quản lý thị trường và ngành công thương khó mà làm nổi.
Khắc phục tình trạng dưa ùn ứ tại cửa khẩu
Về tình hình dưa hấu ứ đọng tại cửa khẩu Lạng Sơn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đây là tình trạng diễn ra nhiều năm nay. Do địa thế hẹp, dù đã đầu tư bằng cả ngân sách Trung ương và địa phương, nhưng năng lực thông quan tại Tân Thanh còn hạn chế. Một ngày cửa khẩu Tân Thanh chỉ có thể thông quan khoảng 300 xe, ngoài ra cửa khẩu Cốc Nam khoảng 200 xe… “Trước tình hình trên, Bộ đã chỉ đạo, phối hợp các cơ quan chức năng, làm việc với bạn để kéo dài thời gian mở cửa khẩu thêm 4 tiếng nữa, làm việc cả thứ bảy, chủ nhật; vận động bạn mở thêm các cửa khẩu khác…” - Ông Hoàng nói.
H.P