Từ ca bệnh này cho thấy, nhiều việc oái ăm. Đang dịch dã, chả lẽ buồn quá nên người ta tiệc tùng, ăn nhậu cho khuây khoả. Việc này khiến ta liên tưởng tới những bữa tiệc COVID ở Mỹ của đám thanh niên, xem ai lây nhiễm trước. Việc kiểm tra nhanh (test) đúng là có vấn đề. Bằng chứng là, 979 và nhiều người test âm tính nên vô tư lạng lách các nơi. Trong khi đó, trong các lần xét nghiệm, kết quả âm tính nhiều lần vẫn chưa phải đã yên tâm được. Dịch bệnh giai đoạn 2 khó lường, nhưng có vẻ người dân mang nhiều tâm lý chủ quan. Người sợ thì từ trước đến nay vẫn sợ, nhưng có khi nhìn đám đông nhởn nhơ vô tư ăn nhậu lại thêm phần chủ quan. Nếu như giai đoạn 1, chỉ cần đóng cửa biên giới, khu biệt bệnh nhân là xong. Bây giờ, có những bệnh nhân vô hình.
Có khi nào người dân chủ quan nghĩ: Chỉ có bệnh nền và già yếu mới gây tử vong. Tôi đồ rằng có. Những bữa tiệc COVID ở Mỹ diễn ra cũng từ suy nghĩ này. Nếu theo dõi tổng thế, ở giai đoạn 1, việc tuyên truyền hướng dẫn phòng dịch tốt hơn lần này. Bên cạnh điểm danh các ca bệnh là những biện pháp phòng tránh được đăng phát với thời lượng lớn trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Thậm chí Bộ Y tế có hẳn một MV ca nhạc về rửa tay của Việt Nam với lượng xem, bấm thích (like) lớn và được nhiều ngôi sao nổi tiếng thế giới hát lại. Phải chăng, bây giờ, người dân có tâm lý chờ vắc xin? Truyền thông chỉ làm mỗi việc đơn điệu là đếm ca nhiễm và đếm ca có bệnh nền tử vong?
Chính phủ đã truyền rõ thông điệp: Vừa chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông kinh tế. Chứ không phải vừa chống dịch, vừa nhậu cho đỡ buồn. Ở Đắk Lắk có một ca bệnh vừa từ vùng dịch Đà Nẵng về, cũng sà ngay vào các cuộc gặp gỡ, ăn nhậu. Người nhà chị này sau đó thanh minh các kiểu trên mạng xã hội: Nào là đưa tin sẽ ảnh hưởng tâm lý điều trị bệnh nhân, nào đi về mãi mới có văn bản của chính quyền…. Họ không biết rằng, dịch bệnh đã khiến tâm lý loài người cả thế giới đảo điên. Người không mắc bệnh, đã phải đối mặt với hội chứng trầm cảm cách ly. Chưa hết, không cần chính quyền ra văn bản, mỗi người dân phải có ý thức đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập đông người. Mỗi khi đi nhậu, sao họ không nghĩ tới bác sỹ, công an, bộ đội đang căng mình dập dịch nơi tuyến đầu; những người yếu thế trong xã hội thu nhập thấp đang co ro ở đâu… Hãy nghĩ tới cái chung trước cái tôi.
Đến khi có vắc xin, hẳn nhiều người không muốn đọc những ca nhiễm “9 ngày về, 7 ngày nhậu” để cười cợt, mỗi người lúc này nên là một tuyên truyền viên tích cực, lan toả những nguyên tắc phòng dịch; các kênh chính thống cần đa dạng tuyên truyền, thay vì chủ yếu đếm ca bệnh.