Đề xuất xử lý việc chậm 'tiêu tiền' nguồn ODA

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tình trạng chậm giải ngân vốn ODA tiếp tục tái diễn, nhiều địa phương xin trả vốn. Trước bối cảnh hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giải pháp "thúc" giải ngân, có biện pháp xử lý nghiêm, tổ chức, cá nhân làm chậm tiến độ.

Tại báo cáo lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về tình hình vận động, quản lý và sử dụng ODA, vốn vay nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, nửa đầu năm, tổng vốn ODA, vốn vay ưu đãi giải ngân mới đạt khoảng 7.744 tỷ đồng (đạt 21% kế hoạch). Vốn đối ứng giải ngân khoảng 2.216 tỷ đồng (đạt 28% kế hoạch).

Số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính ngày 17/7 cho thấy, giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài năm 2022 và 6 tháng đầu năm nay là 5.086 tỷ đồng, đạt 18,18% kế hoạch vốn được giao. Chỉ có 5/11 bộ, ngành có số giải ngân và 9/50 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 15%.

Trước tình trạng này, Bộ KH&ĐT đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA những tháng cuối năm. Trong đó, một số luật, nghị định được đề xuất sửa đổi, như Luật Quản lý nợ công, nghị định 51/2015/NĐ-CP… Với tính chất cấp bách gỡ khó cho các dự án lưới điện, truyền tải và phân phối điện đã được đối tác phát triển quan tâm cam kết vốn; Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng xem xét, báo cáo Chính Phủ đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết giao nhiệm vụ cho Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoặc Bộ Công Thương làm cơ quan chủ quản.

Bộ Tài chính nghiên cứu hài hoà thủ tục trong việc xây dựng kế hoạch vốn nước ngoài cho vay lại song song với kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương. Cơ quan chủ quản theo dõi, kịp thời điều chỉnh, đăng ký kế hoạch vốn sát khả năng thực hiện.

Đề xuất xử lý việc chậm 'tiêu tiền' nguồn ODA ảnh 1
Nhiều gói thầu bị chậm triển khai thời gian qua, như dự án metro 3 Nhổn - Ga Hà Nội, dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (TP Hà Nội).

Vừa qua, việc chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư đã dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện. Nhiều gói thầu bị chậm triển khai, như dự án metro 3 Nhổn - Ga Hà Nội, dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (TP Hà Nội); dự án tuyến 1 TP HCM Bến Thành - Suối Tiên; dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc, dự án tăng trường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, dự án nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán vay ADB; dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vay JICA…

Theo Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy nhanh việc hoàn thiện thủ tục đầu tư; thực hiện nghiệm thu, thanh quyết toán với các hạng mục/công trình đã hoàn thành, không để dồn cuối năm; bố trí đủ vốn đối ứng, đẩy nhanh hoàn thành thủ tục để ký, trao hợp đồng cho các gói thầu. Địa phương có dự án của các Bộ, ngành triển khai phải xử lý vướng mắc giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tham gia ý kiến, phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện dự án; có biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân vi phạm, cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ. Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường kiểm soát, rút ngắn thời gian hoàn chứng từ đối với hình thức thanh toán qua tài khoản đặc biệt; hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn…

MỚI - NÓNG