Các cơ quan quốc tế gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Tổng cộng có 16 dự án Mekong DPO được Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL xây dựng và đề xuất với tổng mức đầu tư hơn 94.300 tỷ đồng, trong đó vốn vay nước ngoài gần 66.300 tỷ đồng, vốn đối ứng hơn 28.000 tỷ đồng.
Quang cảnh cuộc họp. |
Tại cuộc họp, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cho biết, trong số các dự án, Bộ GTVT đề xuất dự án cải tạo, nâng cấp QL53, QL91B và QL62 đã được Thủ tướng phê duyệt. Các đề xuất dự án còn lại cũng được các địa phương điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện căn cứ góp ý của các cơ quan có liên quan và dự kiến sẽ được Thủ tướng phê duyệt trong quý III và quý IV/2023.
Theo ông Phương, hiện Chính phủ đang xây dựng, chuẩn bị ban hành Nghị quyết về các dự án Mekong DPO với nội dung chính nhằm huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài cho 16 dự án, trên cơ sở nhu cầu đầu tư và cam kết của các đối tác phát triển; áp dụng tỷ lệ vay lại vốn nước ngoài 10% đối với các dự án Mekong DPO thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.
Bộ KH&ĐT đề nghị các địa phương rà soát, khẩn trương cập nhật, hoàn thiện đề xuất dự án đảm bảo đáp ứng các tiêu chí như: Đúng quy định có liên quan của Việt Nam và nhà tài trợ; đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu; phù hợp với quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch của địa phương và các quy hoạch quốc gia có liên quan; khả năng vay, trả nợ và bố trí vốn đối ứng...
Ông Yoon Ki Sang - Phó trưởng đại diện KEXIM - cho hay, KEXIM sẽ tài trợ cho 4 trong 16 dự án và thống nhất với Bộ KH&ĐT sẽ đẩy nhanh tiến trình triển khai các dự án bằng việc giải quyết nhanh các thủ tục từ cả hai phía. Đồng thời, khuyến khích các tỉnh có nhu cầu khẩn trương tiến hành các quy trình để lập dự án hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp chặt chẽ với cơ quan này để đẩy nhanh tiến độ.
Đại diện WB, bà Anna Wellenstein - Giám đốc khu vực về Phát triển bền vững của khu vực Đông Á Thái Bình Dương - cho biết, các dự án Mekong DPO đang được đề xuất không chỉ quan trọng cho ĐBSCL mà còn cho cả Việt Nam. Dù đang trong các giai đoạn thực hiện khác nhau nhưng báo cáo của các tỉnh về những dự án đề xuất hầu hết có chất lượng tốt.
Đối với các dự án dự án cải tạo, nâng cấp QL53, QL91B và QL62 theo đề xuất của Bộ GTVT đã được Thủ tướng phê duyệt (tổng mức đầu tư 7.158 tỷ đồng), bà Anna Wellenstein mong muốn các bước tiếp theo như nghiên cứu tiền khả thi cũng như báo cáo đánh giá về tác động đến xã hội, môi trường của dự án sẽ có kết quả vào tháng 11 năm nay và dự án sẽ được phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối năm nay để tiến hành đàm phán hiệp định vay vào năm 2024.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại cuộc họp. |
Đại diện WB cũng đề nghị Chính phủ đưa ra cơ cấu tài chính đơn giản cho các tỉnh tham gia vào dự án Mekong DPO như đề xuất của WB, đồng thời cho biết WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cũng như các tỉnh tham gia dự án thực hiện những cam kết ưu tiên của mình.
Trong số 16 dự án, Bộ NN&PTNT đề xuất 3 dự án với tổng mức đầu tư 6.619 tỷ đồng, bao gồm: Cải tạo hệ thống kênh trục chính chuyển nước từ sông Hậu về bán đảo Cà Mau; cải tạo hệ thống kênh trục chính liên vùng, liên tỉnh khu vực giữa sông Tiền và sông Hậu; kết nối hệ thống thủy lợi Bảo Định - Gò Công - Tân Trụ.
Đáng chú ý có loạt dự án đường ven biển của 7 tỉnh (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) với tổng chiều dài khoảng 415 km, tổng mức đầu tư gần 43.000 tỷ đồng. Ngoài ra, có các dự án khác của các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang và thành phố Cần Thơ.