Ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải - đơn vị phối hợp với Sở Giao thông Hà Nội nghiên cứu, xây dựng đề án quản lý phương tiện cá nhân, cho biết trong đề án có nội dung về việc thu phí lưu thông ôtô vào giờ cao điểm, lộ trình từ 2020.
"Việc hạn chế, cấm ôtô chỉ áp dụng trước mắt đối với taxi theo từng khu vực và thời gian cụ thể", ông Mười nói. Lý do áp dụng với taxi là Hà Nội đang có quá nhiều taxi với khoảng 21.000 xe. Theo tính toán, một taxi mỗi ngày chạy khoảng 250 - 300km, như vậy tỷ lệ trong giao thông Hà Nội là cứ 10 ôtô con sẽ có 1,5-1,8 xe taxi trên đường, đây được xem là một nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.
TS Đinh Thị Thanh Bình (Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng, với xu thế xe con cá nhân tăng trưởng ngày càng cao, xe máy tăng trưởng chậm, nếu chỉ hạn chế xe máy thì ôtô con sẽ tăng chóng mặt. Vì thế, đối tượng hạn chế trong tương lai sẽ là ôtô cá nhân.
Theo bà Bình, khi hệ thống vận tải công cộng đủ năng lực thì cần triển khai đồng loạt các biện pháp hạn chế ôtô theo khu vực, theo vành đai, theo các tuyến đường, theo giờ, thu phí ra vào trung tâm… Đây là biện pháp mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Đồng thời với việc tổ chức điều tiết giao thông, cần siết chặt quản lý sử dụng lòng đường, hè phố vừa để thông thoáng, vừa góp phần hạn chế sử dụng xe cá nhân. Ví dụ không cho đỗ xe máy, ôtô trên phố; thu phí cao tại các điểm trông giữ xe.
TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) cho biết: "Một số nước như Nga, Pháp đã áp dụng cấm xe vãng lai đi lại vào giờ cao điểm và thu phí lưu thông, biện pháp này có thể giảm 5-10% lưu lượng phương tiện đi lại trong trung tâm".
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Hà Nội, cũng cho rằng cần hạn chế ôtô cá nhân bằng cơ chế tài chính như tăng phí trước bạ, phí hạ tầng, thu phí xe đi vào giờ cao điểm hoặc vào khu vực hạn chế phương tiện.
Về phương tiện thay thế ôtô cá nhân và xe máy, ông Bùi Danh Liên gợi ý phải đa dạng hóa các loại phương tiện vận tải hành khách như phát triển mini buýt dưới 17 chỗ, sử dụng xe bán tải hoán cải thành xe chở khách để chở được nhiều người, xe 4 bánh gắn động cơ chở hàng hóa...
Biện pháp hạn chế ôtô theo Đề án được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xây dựng:
- Giảm dần tiến tới dừng cấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ xe ôtô, xe máy tại bốn quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa);
- Có lộ trình tăng phí trông giữ ôtô, xe máy tại khu vực trung tâm, các khu vực không khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân;
- Nghiên cứu, đề xuất tăng lệ phí trước bạ đối với ôtô con đăng ký lần đầu;- Đối với ôtô tải: Đảm bảo hoạt động của xe chuyên chở hàng hóa, kết nối hợp lý hoạt động của xe tải lớn với các xe tải nhỏ tại vành đai 3 đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Xe tải dưới 1,25 tấn dừng hoạt động trong giờ cao điểm; xe trên 1,25 tấn chỉ được hoạt động trong khung giờ 21h đến 6h sáng;
- Đối với ôtô cá nhân: Tổ chức dừng hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực; một số khu vực theo lộ trình cho phép xe ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí.