Quảng Ninh:

Đề xuất tái thu phí tham quan Yên Tử: Giảm gánh nặng ngân sách?

Chùa Đồng - Yên Tử sẽ là điểm đến của cả phía Đông và phía Tây Yên Tử.
Chùa Đồng - Yên Tử sẽ là điểm đến của cả phía Đông và phía Tây Yên Tử.
TP - UBND thành phố Uông Bí vừa có văn bản đề xuất tái thu phí tham quan di tích danh thắng Yên Tử gây nhiều ý kiến trái chiều, trong khi tỉnh Quảng Ninh đã bỏ việc thu phí tham quan Di tích danh thắng này từ năm 2006.

Thu phí để hỗ trợ chi phí hoạt động

Ngày 2/12, UBND thành phố Uông Bí tổ chức hội nghị lấy ý kiến về việc thu phí tham quan tại Khu Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử. Lý do của việc đề xuất tái thu phí là để góp phần trùng tu tôn tạo, nâng cao các hoạt động dịch vụ, đảm bảo an ninh trật tự, cảnh quan môi trường và tạo sự yên tâm cho du khách khi về tham quan vãn cảnh tại Yên Tử.

Hơn 300 đại biểu tham dự hội nghị, sau khi nghe đề xuất tái thu phí Di tích danh thắng Yên Tử có nhiều ý kiến không đồng thuận và cho rằng: đây là việc làm chưa cần thiết, vì hiện nay tại Yên Tử đã có khá nhiều khoản thu, nếu tiếp tục cho thu phí tham quan sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của người dân khi về với đất Phật Yên Tử.

Theo thông tin từ UBND thành phố Uông Bí, khu Di tích danh thắng Yên Tử, hiện có một Ban quản lý Di tích - Rừng quốc gia Yên Tử, thực hiện công tác quản lý, tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, cung cấp nước sạch tu bổ, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ…

Ngoài ra, Ban này còn quản lý một khu vực rộng lớn trên danh thắng Yên Tử và được giao quản lý tuyến giao thông dài trên 15km từ QL18 vào tới khu di tích nhưng chỉ sống nhờ vào tiền lương từ ngân sách nhà nước chứ không thu được một đồng nào từ hàng triệu du khách, tăng ni, phật tử đến Yên Tử. Vậy nên, theo chủ ý của UBND thành phố Uông Bí là phải thu phí để giảm gánh nặng cho ngân sách.

Với mức phí đề xuất thu khi tham quan Di tích danh thắng Yên Tử của UBND thành phố Uông Bí là 20.000 đồng/1 khách/1 lượt. Tạm tính mỗi năm Yên Tử đón hơn 2 triệu lượt khách, trừ đi một số đối tượng được miễn phí, thì số tiền thu được xấp xỉ 40 tỷ đồng.

Được biết, cũng cách đây 5 năm (năm 2012), lãnh đạo UBND thành phố Uông Bí cũng đã từng lấy ý kiến triển khai thu phí tham quan khu di tích Yên Tử, tuy nhiên sau đó việc này không được thực hiện.

Ông Đặng Đình Sách, Phó chủ tịch UBND TP Uông Bí chia sẻ:  “Chủ trương của thành phố đưa ra thu phí để có chi phí bảo vệ cảnh quan môi trường Yên Tử, hỗ trợ một phần kinh phí cho lực lượng quản lý ở đó, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, nhà nước không thể bao mãi được. Hiện nay, gần như nhà nước không có thu gì ở đó cả. Mang tiếng khách đến đông nhưng thành phố chỉ có đi xử lý rác thải với đảm bảo vệ sinh môi trường”.

Phản ứng trước thông tin đề xuất tái thu phí danh thắng Yên Tử, nhiều ý kiến của các phật tử, trong đó có cả người dân ở thành phố Uông Bí cũng bày tỏ sự không đồng thuận. “Lượng du khách đến với Yên Tử đại đa số là vì niềm tin tôn giáo, chỉ khoảng 10 - 20% là khách đến tham quan. Nếu quyết tâm thu phí thì không khác gì bán vé cho Phật tử vào chính ngôi chùa của họ” - Phật tử Ngô Đăng Ninh, đến từ Nam Sách, Hải Dương nói.

Đông thu phí, Tây miễn phí

Trong khi phía Đông Yên Tử (thuộc Quảng Ninh) đang “lục đục” cho việc chuẩn bị thu phí tham quan, thì phía Tây Yên Tử (thuộc Bắc Giang) đang gấp rút hoàn thành các hạng mục đường giao thông, các công trình phụ trợ, hoàn thiện ngôi tam bảo của chùa Hạ, cáp treo… để tổ chức lễ hội Tây Yên Tử lần đầu tiên.

Tỉnh Bắc Giang đang cố gắng đưa giá trị của di sản vùng Tây Yên Tử đến với du khách và tăng ni phật tử, tổ chức các hội nghị lấy ý kiến của các GS, TS, nhà nghiên cứu văn hóa để liên kết giữa hệ thống di tích, danh thắng phía Tây Yên Tử  (Bắc Giang) với khu di tích danh thắng phía Đông Yên Tử (Quảng Ninh). Nếu Đông Yên Tử gắn với lễ hội mùa Xuân, thì Tây Yên Tử sẽ phát triển theo hướng con đường di sản Phật giáo.

Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Giang đang kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp, xây dựng, trùng tu chùa Thượng và chùa Hạ phía Tây Yên Tử. Từng bước xây dựng thương hiệu cho khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, tạo điểm nhấn đối với du lịch Bắc Giang và sẽ không thu phí tham quan đối với danh thắng này.

Năm 2006, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định bỏ việc thu phí tham quan Di tích danh thắng Yên Tử. Việc làm này đã tác động mạnh mẽ đến hình ảnh của Yên Tử nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Từ con số 100 nghìn lượt du khách/năm đã tăng vọt lên hơn 2 triệu lượt khách đến với Di tích danh thắng Yên Tử.

MỚI - NÓNG