Ngày 17/2, tức mùng 10 tháng giêng, Yên Tử mới khai hội. Tuy nhiên, trong những ngày nghỉ Tết nơi này luôn đông khách, bãi để xe thường xuyên chật kín.
Lễ hội Yên Tử kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. Theo Ban tổ chức, những ngày nghỉ Tết Bính Thân vừa qua, Yên Tử đón trên 100.000 lượt du khách thập phương.
Dự kiến ngày khai hội sẽ có sự tham dự của hàng trăm đại biểu, cùng hơn 2.000 phật tử. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ có nhiều hoạt động như: trò chơi dân gian chọi gà, kéo co; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng lân, võ thuật; giải cờ tướng Kỳ vương Yên Tử lần thứ ba; biểu diễn nghệ thuật tại nhà ga một cáp treo và trưng bày hoa mai vàng Yên Tử.
Ban tổ chức dự kiến sẽ có khoảng 2,5 triệu lượt khách về tham quan, vãn cảnh mùa lễ hội này. Mấy ngày Tết, do trời nắng, việc leo lên chùa Đồng thêm phần khó khăn, nhiều du khách tỏ ra mệt mỏi.
Tại chùa Hoa Yên, một nhóm bạn trẻ dải bạt làm chỗ nghỉ ngơi.
Lối lên chùa Một Mái. Bên trong chùa có mạch nước ngầm theo vách đá chảy xuống hốc nhỏ. Nguồn nước ở đây được ví von như dòng sữa mẹ không bao giờ cạn.
Lối từ An Kỳ Sinh đến chùa Đồng nườm nượp du khách. Chùa Đồng là nơi thiêng liêng của Yên Tử. Tại đây, đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông thường tọa thiền, tỏa ánh hào quang tâm linh nhắc nhở con cháu muôn đời chung sức, đồng lòng gìn giữ nước non.
Đây là bức tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông lớn nhất Việt Nam. Được khánh thành đầu tháng 12/2013, tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, cao 15 m, nặng 138 tấn, tọa lạc trên đỉnh An Kỳ Sinh có độ cao 900 m so với mặt nước biển.
Tổng chiều dài từ chân lên đến đỉnh núi Yên Tử khoảng 6.000 m đường rừng núi, hàng chục nghìn bậc đá trơn trượt.
Lên đến chùa Đồng, người dân sờ tay, xát tiền vào chuông để cầu may. Anh Nguyễn Văn Bắc (36 tuổi, quê Hải Dương) cho biết, đi xe máy cùng nhóm bạn đến Yên Tử từ 4h sáng. "Đây là lần thứ hai tôi đi Yên Tử, năm nay thời tiết nắng đẹp, leo lên đến chùa Đồng có vất vả hơn năm ngoái, nhưng đường dễ đi vì không trơn trượt như những năm trước", anh Bắc nói.
Tọa lạc trên đỉnh Yên Tử, chùa Đồng được khởi dựng từ thời Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự. Năm 2007, chùa mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất với chiều dài 4,6 m, rộng 3,6 m, cao 3,35 m và nặng hơn 70 tấn.