Nội dung đề xuất trên được đưa ra tại tọa đàm trực tuyến "Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra" do báo Đại biểu nhân dân tổ chức sáng nay 13/9 tại trụ sở Văn phòng Quốc hội.
TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên là Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết, đến năm 2015, theo Nghị quyết của Quốc hội và Trung ương, chúng ta xóa thi “3 chung” và chuyển về địa phương theo đúng tinh thần giảm áp lực, giảm tốn kém... , nhưng “được cái này, mất cái nọ”. Và đến năm 2018 mới bắt đầu lộ ra khiếm khuyết.
Theo TS Ngọc, đến kỳ thi vừa rồi, phải khẳng định chủ trương là đúng nhưng đến lúc thực thi lại vướng phải khâu nhân sự. Chính cán bộ các phòng khảo thí của các Sở là những người tiếp tay tiêu cực và có thể nói chủ trì tiêu cực!
TS Ngọc cho biết thêm, tại cuộc làm việc của Bộ GD& ĐT với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa qua, chúng tôi có đề xuất: Chúng ta nên gọi là kỳ thi “2 trong 1 buổi”. Tức là chúng ta phải có 2 phần đề (tốt nghiệp THPT, thi đại học). Học sinh nào không có nhu cầu thi đại học cho ngồi riêng, thi xong được nghỉ. Còn học sinh nào thi đại học, sẽ tiếp tục làm bài. Phần thi đại học phải do đại học chủ trì.
TS Ngọc cũng cho rằng, trong tương lai, chuyện có các Trung tâm khảo thí độc lập rồi thi trên máy tính là đang nói trên lý thuyết, chứ việc xây dựng một bộ đề, một thư viện đề không dễ. Trong bối cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, việc có một trung tâm khảo thí độc lập là khó. Và nếu có một Trung tâm khảo thí độc lập với tư cách tư nhân thì độ tin cậy có đảm bảo không?”.
“Có thể nói, những sai phạm tại Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa rồi mang tính kỹ thuật, chúng ta có thể khắc phục được. Nhưng cá nhân tôi ủng hộ và đi theo hướng “2 trong 1 buổi”. Còn nếu như “2 trong 1 đề” thì đại học không được can thiệp vào thi THPT quốc gia”- TS Ngọc nói.
Bộ GD&ĐT nên quan tâm yếu tố kỹ thuật: Hổng chỗ nào, bịt chỗ đó
Dưới góc nhìn của cơ quan xây dựng chính sách, cơ quan giám sát thực thi luật, TS Phạm Tất Thắng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, kỳ thi “hai trong một” nhưng thực tế hai mục tiêu khá khác nhau.
Với góc độ thi tốt nghiệp THPT, trình độ giáo dục phổ thông là trình độ phổ cập. Kỳ thi này mang tính chất sát hạch thì đúng hơn, để xem học sinh trải qua quá trình học ở trường phổ thông đã nắm được kiến thức trang bị chưa, để có đủ kiến thức văn hóa tối thiểu tiếp tục học lên hoặc là bước ra thị trường lao động.
Ở đây không có tính chất sàng lọc nghiêm ngặt mà cứ đạt chuẩn là sẽ tốt nghiệp. Cho nên, thực tế kết quả kỳ thi này thường rất cao, các trường gần như đạt 99%, hầu như ai thi cũng đỗ, không có mục tiêu sàng lọc ở kỳ thi THPT này.
Mục tiêu thứ hai là để xét tuyển ĐH,CĐ là phải chọn được thí sinh có đầy đủ kiến thức, hiểu biết, kỹ năng, đầy đủ tư duy để có thể học ở phần cao hơn ở hệ thống giáo dục quốc dân là ĐH, CĐ. Kỳ thi này là vừa sàng lọc để chọn thí sinh phù hợp với bậc đào tạo này, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội cũng như năng lực đào tạo của các trường ĐH, CĐ.
Mục tiêu của hai kỳ thi rất khác nhau, ghép kỳ thi này về kỹ thuật là rất khó. Nếu đạt mục tiêu thứ nhất một cách trọn vẹn thì mục tiêu thứ hai sẽ không đạt trọn vẹn. Nghĩa là đề thi không phân hóa thì không sàng lọc được, lựa chọn được thí sinh xuất sắc nhất vào ĐH, CĐ. Còn ngược lại, nếu chọn mục tiêu thứ hai thì mục tiêu xét tốt nghiệp giảm đi số lượng tốt nghiệp THPT thì cũng không trọn vẹn.