Khó, dễ đề thi THPT quốc gia: Giai đoạn 'quá độ' thi cử của Việt Nam

Điểm thi THPT Hoài Đức A (Hà Nội) chỉ có 6 thí sinh dự thi bài thi tổ hợp KHTN. Ảnh: Nguyễn Hà.
Điểm thi THPT Hoài Đức A (Hà Nội) chỉ có 6 thí sinh dự thi bài thi tổ hợp KHTN. Ảnh: Nguyễn Hà.
TP - Sau ba năm tổ chức có thể nhận thấy, Bộ GD&ĐT đang phải gồng mình để đạt được hai mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Năm 2017,  đề ra “lỏng tay” nên điểm rất cao, không có tính phân loại, điểm 10 tràn lan. Năm 2018,  do các chỉ trích về kỳ thi năm ngoái, Ban ra đề quốc gia “siết chặt” nhưng có vẻ  lại hơi quá tay, đề khó hơn hẳn năm ngoái.

Khó đáp ứng 2 mục tiêu của một kỳ thi

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2018, Bộ huy động 45.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH phối hợp cùng các Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Số giáo viên địa phương tham gia kỳ thi cũng ở con số tương tự. Ngoài ra, còn các đoàn thanh tra lưu động, các lực lượng xã hội khác cùng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào kỳ thi. Tức trong 4 ngày diễn ra kỳ thi, riêng số cán bộ  coi thi “cứng” phải huy động lên tới khoảng hơn 360.000 lượt người

Đó là về nhân lực. Còn về các vấn đề khác cũng phải ước tính những con số khổng lồ. Đơn cử như giấy để in sao đề thi. Hà Nội có số thí sinh dự thi gần bằng 1/10 cả nước. Theo ước tính, khối lượng giấy để in sao đề thi là 4.000 gram. Vậy, tính sơ sơ, cả nước khoảng trên 40.000 gram giấy…

Khó, dễ đề thi THPT quốc gia: Giai đoạn 'quá độ' thi cử của Việt Nam ảnh 1 Sau giờ thi tốt nghiệp THPT 2018 tại điểm thi Chu Văn An, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Huy động nhân lực, tài lực, vật lực khổng lồ chỉ để có được kết quả tốt nghiệp lên đến con số gần 100% và phục vụ một số trường ĐH có nhu cầu lấy kết quả thi xét tuyển. Không những thế, vì  phải đạt được mục đích một kỳ thi 2 mục tiêu nên năm nào đề thi cũng gặp tranh cãi.

Đề thi môn Toán ngày 25/6 là một ví dụ. Nhận định của các chuyên gia, môn toán năm 2017 thi để xét tuyển ĐH thì như tốt nghiệp THPT, nên mưa điểm 10. Còn năm nay, đề thi cho tốt nghiệp thì như xét tuyển ĐH, nên điểm 10 sẽ đếm trên đầu ngón tay. Có thể thấy, Bộ GD&ĐT đang rất lúng túng, chưa tìm được giải pháp xử lý vấn đề đề thi.

Sáng qua, 26/6, trao đổi với Tiền Phong, thầy Dương Văn Bản, trường THPT Tam Đảo, Vĩnh Phúc cho rằng, việc ra một đề thi  với các em tốt nghiệp đạt trung bình và tuyển sinh được ĐH vào những trường top cao là rất khó. “Làm sao để  học sinh trung bình vẫn có thể đỗ tốt nghiệp và  vẫn có tính phân hóa cao thỏa mãn cho các trường ĐH từ top cao đến top trung bình tuyển sinh. Chỉ riêng việc đáp ứng nhu cầu tuyển sinh của các trường đã rất khó rồi, còn thêm mục tiêu xét tốt nghiệp. Theo quan điểm cá nhân của tôi, xét tốt nghiệp có thể ủy quyền cho các sở GD&ĐT. Còn thi vào các trường ĐH như thế nào Bộ cần tính toán” – thầy Bản nói. 

Tuy nhiên, thầy Nguyễn Hùng Tráng, trường THPT Sáng Sơn, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc cho rằng, đề thi đạt được mục tiêu như thế nào phụ thuộc vào trình độ của người ra đề. Do đó, hoàn toàn có thể ra được những đề thi đạt được hai mục tiêu như Bộ mong muốn. Với đề thi Toán năm nay, thầy Hùng Tráng cho rằng 20 câu đầu, thí sinh làm rất nhẹ nhàng. Cố gắng thêm một chút là đạt được 5 điểm, đủ đỗ tốt nghiệp. Nhưng  10 câu cuối thực sự khó và phân hóa được thí sinh. Điểm được của đề thi Toán năm nay là hạn chế tối đa quy trình ngược (lấy các đáp án thử vào bài toán để tìm ra đáp án đúng) cũng như dựa vào máy tính để tìm được đáp án. Cũng liên quan đến đề Toán, TS. Trần Nam Dũng, ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, theo dõi “sự tiến hóa” của đề thi môn Toán từ các đề minh họa 1,2,3 năm 2017 đến đề thi THPT quốc gia 2017, đề minh họa 2018 và cuối cùng là đề chính thức 2018 có thể thấy rõ cuộc đổi mới đề thi này thiếu vắng một tổng công trình sư, người dám làm, dám bảo vệ quan điểm, dám tìm sự đồng thuận và dám chịu trách nhiệm.  

Một số chuyên gia cho rằng, đề năm nay khó phần nào đã thể hiện “sự bế tắc” trong việc tìm kiếm giải pháp thực hiện mục đích một kỳ thi hai mục tiêu như Bộ mong muốn. Nhưng tại sao, đến giờ, các trường ĐH vẫn muốn dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, các Sở GD&ĐT chưa đề xuất giao quyền được xét tốt nghiệp THPT?

Trường ĐH, Sở GD&ĐT “ngán” khâu làm đề

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết giai đoạn hiện nay có thể gọi là giai đoạn “quá độ” thi cử của Việt Nam. Bộ GD&ĐT cũng khẳng định sẽ giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia đến năm 2020.  Sau khi chương trình SGK mới đi vào thực tiễn sẽ có những điều chỉnh. Tuy nhiên, khi được hỏi, nếu được giao tổ chức thi tốt nghiệp, sở có sẵn sàng, ông Trọng cho rằng giao cho các sở hiện nay chưa ổn. Vì để tổ chức một kỳ thi rất tốn kém. Trong đó đặc biệt là khâu làm đề các môn tổ hợp. Với tiềm lực của các Sở GD&ĐT hiện nay, chưa thể làm được.

Không chỉ các sở “sợ” mà các trường ĐH cũng rất “ngán” khâu làm đề. GS. Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết trước kia, trường cũng đã tổ chức thi riêng. Nhưng nhận thấy rất vất vả. Sau đó, kỳ thi ba chung của Bộ GD&ĐT đã “giải phóng” giúp các trường mỗi mùa tuyển sinh. “Còn hiện nay, tại sao các trường vẫn chưa muốn tự tổ chức tuyển sinh riêng? Nếu Bộ GD&ĐT xây dựng một ngân hàng đề đủ lớn, các trường rút từ ngân hàng đề này để tự tổ chức tuyển sinh” - GS. Tú đề xuất.              

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.